Ngạn ngữ võ học chép rằng:
Đao là lá gan của trăm loại binh khí.
Đao như mãnh hổ.
Đơn đao xem triển thủ, song đao xem bộ pháp.
Đại đao là “bách quân chi nguyên soái”, nghĩa là nguyên soái của trăm quân…

Trong các loại khí giới thì đao là thứ khí giới phổ thông và lợi hại hơn cả. Đao gồm các loại đơn đao, song đao và đại đao. Tuỳ theo các môn phái võ mà đao có khác nhau về tên gọi. Phép sử dụng đao làm sao cho khẩn mật cũng đòi hỏi phải có sức lực. Một thanh đơn đao phân làm ngũ vị, gồm Thiên, Địa, Quân, Thần, Sư; cũng như trong ngành văn có Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín vậy.

Lưng đao là Thiên. Lưỡi đao là Địa. Giữa chuôi đao là Quân. Bộ phận che chuôi đao (đao bàn) là Thần. Phần cuối chuôi đao là Sư. Ba tấc về phía mũi đao gọi là Liệu nhận. Tua chỉ đỏ ở đại đao gọi là Xuy phong. Đơn đao phân làm 6 thức là triển, mạt, câu, đoá, khảm, phách. Mũi đao, lưỡi đao hướng ra ngoài là triển, hướng vào trong là mạt, co lại là câu, đưa ngang là đoá, giơ lên quá đầu là khảm, hai tay nắm chuôi đao chặt xuống là phách. Kích thước và trọng lượng đao tùy sở trường của người sử dụng, thông thường tay buông thõng, cán đao đặt trong hổ khẩu của bàn tay, đao dựng đứng, mũi đao ngang vành tai dưới là vừa.

Về phép sử dụng đao thì không nhảy nhót nhiều. Khi luyện đao, một tay cầm đao, còn một tay không. Thường thì cầm đao tay phải. Sự thật thì tay cầm đao không khó, khó nhất là tay không cầm đao. Cho nên khi xem đao pháp của một người tới trình độ nào, ta chỉ cần nhìn vào tay không cầm đao của người đó, xem có tiến thoái tự nhiên theo đao pháp không. Đối với song đao, bộ pháp là quan trọng, đường đao tuy phức tạp nhưng phải theo thứ tự, không được rối loạn. Vì thế ngạn ngữ võ học nói rằng: “Đơn đao xem triển thủ, song đao xem bộ pháp”.

Luyện đao cốt yếu ở chỗ định thủ, định thủ là tay phải làm chủ được cây đao, không cúi đầu, cong lưng, thế đao đánh ra thu vào có mức độ, phải tưởng tượng trước mắt có địch thủ đang giao đấu với mình. Trọng lượng cây đao cũng phải được lưu ý. Tập tục luyện đao thường mãnh liệt đã trải cả ngàn năm. Thời xưa lính tráng đấu nhau bằng khí giới ngắn, người dùng đao rất đông. Múa đao lên, đao rít vù vù, hàn quang khiếp người, chỉ nghe gió đao rít mà không thấy bóng người, dũng mãnh, oai võ, hùng mạnh có thừa. Phong cách như mãnh hổ. Mũi đao, lưỡi đao là bộ phận nhọn sắc nhất chủ về tấn công, sống đao rộng, dài, kiên cố chuyên về phòng thủ.

Thời xưa, đao lại khá nặng, khi muốn chặt, bổ nhát nào cho kiến hiệu thì ra đao phải mau le, có lực. Để biểu hiện được đặc điểm mạnh của đao thuật thì cần phải thành thạo, nắm vững các loại đao pháp và lực pháp, phối hợp chặt chẽ được thân pháp, bộ pháp, nhãn pháp, đao pháp. Khi luyện tập đao thì khí đầy lực mạnh, thân và đao hoà hợp, đao theo thân chuyển, từ thân thể kéo tứ chi để gíup đao phát lực, bộ pháp phải nhẹ nhàng linh hoạt, nhanh nhẹn, vọt nhảy, xoay chuyển, tiến lùi tự nhiên thoải mái, hai mắt tinh anh, ánh sáng hừng hực, vung đao nhanh chậm, nặng nhẹ tương ứng, thu duỗi tự nhiên.


Đao pháp cơ bản của đơn đao có quấn đầu ôm gáy, múa hoa, cắt đỡ, bổ, chặt, thọc, đâm, chém, vớt…

Đại đao


Đại đao được gọi là “nguyên soái của trăm quân”, phần lớn cầm chắc hai tay mà vũ động. Yếu lĩnh của đao pháp gọi là “đại đao xem lưỡi” chính là các loại đao pháp đều vận dụng rõ ràng ở lưỡi đao. Khi diễn luyện, một chiêu, một thức bổ mạnh, chém rộng, một động, một tĩnh đều uy vũ đường đường.

Chiến tranh cổ đại, đại đao thường dùng cho chiến tướng làm binh khí giao đấu ở trên lưng ngựa, uy lực rất lớn. Cả cây đao do thân đao, cán đao, đĩa đao và vòng kêu là bốn bộ phận lớn cấu tạo nên. Chiều dài và độ nặng đại đao tùy sở trường danh gia sử dụng. Đao có độ nặng dễ đằm tay và ra chiêu hiệu quả, độ dài vừa theo chiều cao của người sừ dụng, dài quá sẽ vướng và chậm, ngắn quá thì không phát huy được hết uy lực của đao.

Một số chủng loại đao nổi tiếng như Quan Công đại đao (Guan Yi big knife), Thanh long yểm nguyệt đao (The big knife with a green dragon and the crescent moon), Xuân Thu đại đao (The big knife of Spring and Autumn), Cửu hoàn đại đao (Nine rings big knife) Trảm mã đao (Chop horse big knife)…

Luận về đại đao, Hán Thọ Đình Hầu Quan Vân Trường - một trong ngũ hổ tướng đời Tam Quốc (221 - 265), được hậu thế tôn xưng là Thánh “Trung nghĩa thiên thu” (God of Righteousness), là người rất nổi tiếng về sử dụng Thanh long đại đao nói rằng: “Đường đao dễ phát khó thu, khó mà nắm cho linh hoạt được, để bù lấp khuyết điểm ấy phải rèn sức tay, tập trung sức lực vào hai cánh tay, dồn vào cán đầu, dùng sức làm cho cánh tay bạt đao hợp nhất, như vậy mới có thể sử dụng linh hoạt và như ý.”

Đao pháp chủ yếu có chém, bổ, miết, xoay, khều, gác, đẩy, kéo, gạt, đỡ, vớt, đâm…

Các môn phái, võ phái, võ đường Võ cổ truyền Việt Nam đều có bài bản về đao.
Trong hệ thống binh khí Võ cổ truyền, đại đao còn có tên goi là “siêu”. Siêu là loại hình đao lớn, cán dài giống như đại đao, theo nghiên cứu phân tích kỹ thuật lưỡi siêu nhỏ hơn đại đao.

Sử chép Lý Thường Kiệt (1019 - 1105), danh tướng triều Lý, oai phong lẫm liệt trên lưng ngựa, bằng những võ công kỳ vĩ, với thanh đại đao tung hoành chiến trận, Bắc đánh Tống, Nam bình Chiêm, bách chiến bách thắng, đã làm rạng rỡ uy danh một thời cho tổ quốc.

Sách Võ nhân Bình Định của Quách Tấn - Quách Giao ghi lại thời Tây Sơn có Tam Thần Đao đó là Ô long đao của Nguyễn Huệ, Huỳnh long đao của Trần Quang Diệu và Xích long đao của Lê Sĩ Hoàng.

Ô long đao là tên đao của Nguyẽn Huệ. Truyền rằng một hôm đi tuần nơi đèo An Khê, khi cùng anh là Nguyễn Nhạc lo xây dựng cơ đồ khởi nghĩa, để tạo không khí thần linh, Nguyễn Huệ đã loan tin có hai con rắn mun lớn đón đường dâng đao rồi từ tạ vào rừng. Tại nơi rắn dâng đao, Nguyễn Huệ cho lập miếu thờ gọi là Miếu Xà.

Thanh Ô long đao, cán bằng gỗ mun đen nhánh, lưỡi đao cũng bằng một loại kim khí màu đen, không có hào quang mà chỉ có khí lạnh. Trong trận Rạch Gầm, Xoài Mút năm Giáp Thìn (1785) Nguyễn Huệ đã sử dụng thanh Ô long đao chém tướng quân Xiêm lên đến hằng trăm người. Năm Kỷ Dậu (1789) Ô long đao lại đẫm máu quân Thanh xâm lược.

Huỳnh long đao là thanh thần đao của sư phụ Diệp Đình Tòng truyền tặng cho tướng quân Trần Quang Diệu. Sở dĩ có tên Huỳnh long vì tại nơi đầu con cù ngậm lưỡi đao được thếp vàng. Cặp song đao Ô long và Huỳnh long phối hợp tung hoành trong trận đánh quân Xiêm. Các chiến công của Trần Quang Diệu đều do thanh Huỳnh long góp phần tạo nên.

Xích long đao của tướng Lê Sĩ Hòang. Sở dĩ có tên Xích long vì tại nơi đầu con cù ngậm lưỡi đao được sơn màu đỏ. Nguyên sau khi dẹp xong quân Mãn Thanh, Vua Quang Trung mở hội thi võ để chọn thêm nhân tài giữ nước. Lê Sĩ Hòang, người quê Quảng Nam ra kinh ứng thí. Hoàng dũng sĩ, lúc nhỏ nhà nghèo, chăn trâu cho một phú ông trong thôn. Nhà gần núi nên một hôm trâu bị cọp bắt, Hoàng sợ chủ hỏi tội nên chạy trốn vào rừng sâu. Lạc đường không tìm được lối ra, gặp dị nhân truyền thụ võ nghệ. Lê Sĩ Hoàng có sức mạnh hơn người, võ nghệ tuyệt luân, chuyên sử dụng cây Xích long đao của sư phụ truyền cho.

Nguyên nghĩa võ thuật là nghệ thuật quân sự (military arts). Ngày xưa quyền thuật, binh khí dùng tác chiến nên chiêu thức yêu cầu thực dụng, hiệu quả. Nếu những chế tác “đầu Ngô, mình Sở”, lấy bên này ghép lại bên kia, lấy côn pháp chế làm thương pháp, lẫn lộn kiếm pháp với đao pháp, mua may quay cuồng tưởng là đẹp mắt nhưng đòn thế vô dụng thì không phải là yếu lĩnh của võ thuật. Văn có văn phạm, võ có võ lý, nhất nhất phải theo pháp của từng môn.

Anh hùng hảo hán nhiều người dùng đao. Chiến tranh chống thực dân bảo vệ tổ quốc Việt Nam, các nghĩa quân, nghĩa sĩ dùng giáo, mác, gậy, gươm, đao… áp dụng cùng chiến thuật du kích rất hiệu quả. Hậu thế hôm nay nếu không hiểu được ý nghĩa của Võ cổ truyền Việt Nam, không biết tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa đúng tầm thì thật là có tội với tiền đồ dân tộc.





 
Top