Boxing (Quyền Anh): Có cội nguồn từ La Mã như một trò chơi của những giới quý tộc và sau này được hoàn thiện tại nước Anh. Thông qua người Pháp, Quyền Anh đã du nhập vào nước ta và toàn cõi Đông Dương khoảng năm 1925 với tên võ Hồng Mao (hay boxe Anglais). Ngay từ khi phôi phai đưa Quyền anh sang, Việt Nam đã có nhiều tay đấm tạo được sự phấn khích cho khán giả và giới mộ điệu trong nước, các nước Đông Dương cũng như gây bất ngờ cho chính người Pháp. Một số võ sĩ tên tuổi từng dành nhiều thắng lợi cũng như đoạt chức vô địch toàn Đông Dương như: Muôn, Kid Dempsey (Văn Phát), Đông Phương Sóc, Minh Cảnh…
Judo (Nhu Đạo): Có nguồn gốc từ Nhật Bản, nhưng lại đến Việt Nam từ Thái Lan và từ Pháp. Năm 1937 một sĩ quan trong quân đội Hoàng Gia Thái Lan lưu vong sang Việt Nam được Chánh Mật thám Đông Dương thời bấy giờ mời dạy môn Judo cho nhân viên Cảnh sát và Công an và một ít Pháp kiều tập luyện. Đến năm 1946, một Võ sư Judo người Việt Nam mang huyền đai I đẳng là Pham Đăng Cao từ Pháp về Sài Gòn, mở lớp tập tại sân Hào Thành với 2 người Pháp phụ tá là Reiner và Zonca, lúc đầu cũng chỉ có người Pháp theo tập. Một thời gian sau ông Phạm Đăng Cao sang Pháp dự thi huyền đai II đẳng và trở về Việt Nam mở lớp Judo đầu tiên tại Cần Thơ một cách đại chúng khi ông được bổ nhiệm chức vụ Tỉnh trưởng tại đây.
Tiếp nối công cuộc giới thiệu Judo tại Sài gòn của Võ sư Phạm Đăng Cao chính là Võ sư Hồ Cẩm Ngạc từ Nhật về với sự thông thạo của nhiều môn võ thuật khác nhau tại Nhật Bản. Nhưng môn Judo được người Việt Nam chú ý và yêu thích từ năm 1955 khi có sự xuất hiện của Võ sư Phạm Lợi, Võ Sư kiêm Đại Đức Thích Tâm Giác tổ chức các lớp tập phổ biến rộng rải đến nhiều tầng lớp dân chúng tại Sài gòn.
Taekwondo (Thái Cực Đạo/Túc Quyền Đạo): Có nguồn gốc từ Nam Triều Tiên, tức là Hàn Quốc ngày nay. Lớp dạy Taekwondo đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức tại Trung Tâm võ thuật của Trường Võ Bị Quốc Gia Thủ Đức vào ngày 01/02/1963 do các Huấn luyện viên và Võ sư người Nam Triều Tiên như Nam Tae Hi (7 đẳng), Kim Sung Kyu (5 đẳng), Jion Young Hui (5 đẳng) trưự thuộc Liên đoàn Thái Cực Đạo quốc tế (ITF – International Taekwondo Federation) phụ trách huấn luyện. Trong 63 môn sinh theo tập, lúc mãn khóa vào ngày 30/11/1963chỉ còn 57 người đạt đủ tiêu chuẩn và trong đó chỉ có 6 người đạt trình độ đai đen là: Khúc Văn Bón (thủ khoa), Nguyễn Mười Nho, Nguyễn Văn Cầm, Nguyễn Văn Hợi, Nguyễn Phước Vĩnh và Trang Đức.
Riêng “Liên đoàn Taekwondo Thế Giới” (WTF – World Taekwondo Federation), chính thức mời Việt Nam tham gia với tính cách thành viên vào ngày 16/06/1989 qua cuộc viếng thăm của 2 Võ sư Sok Pong Kim (Phụ trách Liên Đoàn Taekwondo Australia) và Võ sư Ki Yong Song (Liên Đoàn Taekwondo Đông Nam Á). Chuyến đi được uỷ nhiệm bởi WTF của 2 Võ sư trên đã mở một bước ngoặc vô cùng quan trọng trong việc đưa Taekwondo Việt Nam vào một bước ngoặc mới để có thể sánh ngang tầm với nền phát triển của Taekwondo thế giới.
Taekwondo và Judo từng được xem là một môn võ thuật có sức thu hút số lượng người tập cao nhất tại Việt Nam từ khi được du nhập vào Việt Nam cho đến ngày hôm nay.
Karatedo (Không Thủ Đạo): Gốc từ Okinawa đã đến Huế vào năm 1940 do một người Nhật tên là Choji Suzuki, trước vốn là một binh sĩ thuộc quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản và sau này đã tình nguyện ở lại Việt Nam vào năm 1945. Hiện nay, môn Karatedo do ông Choji Suzuki đã hình thành hai hệ phái Karatedo mới là: Suzucho phát triển mạnh tại Việt Nam, Cương-nhu (Goju) do một học trò của ông đang phát triển mạnh tại Hoa Kỳ.
Tại Sài Gòn môn Karatedo do Võ sư Hồ Cẩm Ngạc mở lớp huấn luyện đầu tiên từ năm 1951 qua hệ phái Shotokan. Riêng tại Miền Bắc Việt Nam, môn Karatedo du được nhập vào Hà Nội từ Liên Xô do công sức của 2 ông Phạm Quốc Trọng và Hoàng Vĩnh Giang mang về truyền bá, song song với Karatedo do ông Đoàn Đình Long đưa từ xứ Huế ra.
Hiệp Khí Đạo (Aikido): Môn võ xuất xứ từ Nhật, nhiều tài liệu lịch sử cho thấy môn Hiệp Khí Đạo lần đầu tiên được truyền dạy tại Sài gòn do Võ sư Hồ Cẩm Ngạc từ Nhật về, tuy nhiên Aikido chính thức được ra mắt và phát triển mạnh tại Sài gòn từ năm 1958 khi Võ sư Đặng Thông Trị, một người Việt từ Pháp về với đẳng cấp huyền đai II đẳng lập nên đạo đường Tenshinkai - Tức là Thiên Tâm (nay là CLB Aikido Đa Kao, số 94 đường Điện Biên Phủ, Q1). Aikido được xem là môn võ thầm lặng nhất dù môn này được từng bước phát triển đi nhiều tỉnh, thành phố lớn tại Việt Nam nhưng do tính đặc thù không thi đấu đối kháng nên Aikido chưa thể hoàn toàn phá triển mạnh mà chỉ thu hút những người thật sự yêu thích.
Võ Thuật (Wushu): Môn Wushu xuất xứ từ Trung Hoa, mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng hiện nay môn võ này có sức hút vô cùng mạnh mẻ tại nhiều tỉnh thành tại Việt Nam. Môn Wushu nối tiếng của Trung Quốc này đã đến Việt Nam từ Liên Xô vào năm 1990. Ông Hoàng Vĩnh Giang nhận được tài liệu giới thiệu và 7 bài giáo khoa môn Wushu từ những người bạn Nga, ông đã đưa về phổ biến đầu tiên tại Hà Nội. Đến tháng 6/1992 sở TDTT Hà Nội mới bắt đầu mời chuyên gia Wushu từ Trung Quốc sang tập huấn cho các VĐV Việt Nam.Ngay từ giửa thập niên 90 với sự giúp sức của chuyên gia Trần Húc Hồng (Trung Quốc) môn Wushu Việt Nam từng bước khẳng định và hội nhập mau chóng vào đấu trường quốc nội, giải Trẻ Châu Á, Giải Wushu thế giới với nhiều huy chương cao quý.
Pencak Silat: Có cội nguồn từ Nam Dương và Mã Lai Á, đã đến Việt Nam vào năm 1989 thông qua SEA Games 15 tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia). Phó đoàn thể thao của Việt Nam là Hoàng Vĩnh Giang đã sử dụng máy quay phim cầm tay quay lại các trận đấu của môn Silat mang về Việt Nam cùng một quyển sách luật thi đấu bằng Anh Ngữ,
Và từ đó hình thành môn Silat ở Việt Nam. Hiện nay môn Silat rất được yêu thích tại Việt Nam vì tạo nhiều cơ hội thi đấu, cọ xát cho các võ sĩ, môn sinh các môn võ cổ truyền Việt Nam vươn lên với tầm vóc quốc tế.
Kendo (Kiếm Đạo): Xuất xứ từ Nhật, có mặt tại Việt Nam tại đất Sài Gòn từ năm 1951 do Võ sư Hồ Cẩm Ngạc đem từ Nhật về. Tuy nhiên lớp tập luyện chính thức được mở tại Sài Gòn từ năm 1973 với sự đóng góp và xây dựng tích cực của Hiệp Hội Ái Hữu Việt-Nhật và giới hâm mộ bộ môn Hiệp Khí Đạo tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua giới yêu thích môn Kendo tại Việt Nam được sự ủng hộ và giúp đở rất nhiều từ Liên đoàn Kiếm Đạo Nhật Bản như đào tạo Huấn luyện viên, thiết bị tập luyện, học bổng.v.v.. Sự khó khăn trong việc phát triển môn Kendo chính là trang bị tập luyện khá đắt và phải du nhập hầu hết từ nước ngoài.
Hapkido (Hiệp Khí Đạo Hàn Quốc): Môn Hapkido nghe có vẽ xa lạ với phần đông giới hâm mộ võ thuật tại Việt Nam, nhưng được biết đến tại Miền Nam nhất là tại Thành phố Sài Gòn ngay từ năm 1965, do Tài từ điện ảnh kiêm Võ sư Kim Jin Pal (Kim Chấn Bát) với phòng tập tại đường Nguyễn Huỳnh Đức. Năm 1970 Võ sư Kim Chấn Bát rời Việt Nam dời sang Hồng Kông đóng phim và làm cố vấn cho điện ảnh, ông giao lại võ đường và tổng hội Hapkido cho đồ đệ của mình là Bác sĩ Phạm Gia Cổn. Hiện nay một Bác sĩ Phạm Gia Cổn sinh sống tại Hoa Kỳ được biết đến như là một trong số những người Việt Nam có đẳng cấp Hapkido cao nhất thế giới với Huyền đai 9 đẳng, thuộc thế hệ lớp đầu tiên của Võ sư Kim Chấn Bát. Giới yêu võ thuật được biết nhiều về môn Hapkido sau năm 1975 với cuộc biểu diễn rất ấm tượng của phái đoàn Hapkido Thế Giới tại sân đấu Phan Đình Phùng vào năm 1991.
Môn Đấu Kiếm Tây Phương (Fencing): Môn kiếm được đưa vào Việt Nam ngay những năm đầu của Thế Kỷ 20, một trong những người tiên phong trong việc đem môn này vào là Kỹ Sư Bredul Francosis trong khi làm việc tại thương cảng Sài gòn. Ngay từ năm 1950 Việt Nam đã có 2 hiệp hội kiếm thuật hoạt động. Việt Nam từng gởi kiếm sĩ tham dự Thế Vận Hội Helsinki (1952), Melbourne (1956), Roma (1960), Tokyo (1960) v.v.. Nhưng chỉ được tái lập hoạt động vào giữa thập niên 1980 song song với môn bắn cung của Tây Phương.