Trong giới trẻ hiện nay cũng có nhiều võ sư danh tiếng nổi như cồn nhờ tài... ăn nói. Họ lòe thiên hạ bằng vài màn biểu diễn mà bất cứ ai có chút tố chất, năng khiếu võ học đều luyện được sau vài tháng rồi tung hô nó là "tuyệt kỹ kungfu".

Tại Việt Nam có không ít những cao thủ võ thuật. Có cao thủ do báo chí tung hô, cũng có cao thủ tự… tung hô. Nhưng có một sự thật ít người biết, đa số những người được gọi là cao thủ chỉ là danh hão. Ngay cả những màn biểu diễn gọi là “tuyệt kỹ kungfu” cũng chỉ là… diễn.

Tại Hà Nội hiện đang có hàng chục môn phái võ khác nhau, nổi tiếng nhất phải kể đến Thiếu Lâm, Vĩnh Xuân, Karate, Lâm Sơn Động, Bình Định, Việt Võ Đạo… Trong mỗi một môn phái lại có nhiều nhánh, nhiều cao thủ… và không ít người trong các môn phái này thuộc loại “dị nhân”, với nội công, kungfu thâm hậu như các võ sư Trần Tiến, Ngô Bông, Điều Đỏ, Tiền, Chu Há, Định Còi… song hầu hết những võ sư này đều đã cao tuổi. Trong giới trẻ hiện nay cũng có nhiều võ sư danh tiếng nổi như cồn nhờ tài... ăn nói. Họ lòe thiên hạ bằng vài màn biểu diễn mà bất cứ ai có chút tố chất, năng khiếu võ học đều luyện được sau vài tháng rồi tung hô nó là "tuyệt kỹ kungfu". Người viết bài này đã từng có thời gian dài theo gót một số võ sư ẩn dật, tài danh ở Hà Nội (chỉ là đi theo) nên cũng mạn phép bàn về mấy màn "ảo thuật" kungfu đương thời…



Nằm trên thủy tinh cho xe ô tô chạy qua

Đây là màn biểu diễn khiến không ít người xem yếu bóng vía phải ngất vì sợ. Trên mặt sân là những đống thủy tinh sắc nhọn như dao. Sau màn vận khí, người thi triển kungfu (tạm gọi là cao thủ) từ từ nằm lên đống thủy tinh, một tấm ván có chiều rộng khoảng 60cm được một số võ sĩ khác đặt ngang qua bụng cao thủ. Những tiếng la ó vang lên khi chiếc ô tô con chở khoảng 6 người từ từ chạy vào sân… rồi trèo qua tấm ván trên bụng cao thủ. Khi chiếc ô tô chạy qua, những tiếng vỗ tay vang lên, cao thủ từ từ ngồi dậy, vận công và đưa tấm lưng không bị chảy máu về phía người xem để chứng minh ta "mình đồng da sắt". Bí mật màn biểu diễn này rất đơn giản. Thứ gọi là thủy tinh thực chất là kính xây dựng. Khi đổ từ bao tải ra sân, những mảnh kính ngổn ngang trông rất dễ sợ. Một võ sĩ phải chạy ra vờ đập đập hoặc thu gọn các mảnh kính nhưng thực chất là để ép tất cả những mảnh kính có đầu nhọn quay lên phía trên phải "trật tự", nằm ẹp xuống. Khi những tấm kính đều nằm theo chiều ngang trên mặt sân thì bất cứ ai cũng có thể nằm lên chứ không cần phải là người học võ. Khi lưng cao thủ yên vị trên "tấm phản" kính, thì bí mật thứ hai lại nằm trong miếng gỗ nằm trên người cao thủ. Miếng gỗ rộng khoảng 60cm vì càng rộng, trọng lượng của chiếc ô tô sẽ trực tiếp đè lên người cao thủ càng ít. Khi chiếc ô tô đi qua tấm gỗ, trọng lượng đè lên người cao thủ là khá nhỏ vì lúc này trọng lượng chủ yếu dồn vào bánh bên kia (bánh không lăn qua tấm gỗ) vì xe đang bị nghiêng…

Thách thức: Hãy đưa cho cao thủ này một số mảnh chai vỡ thực sự và một tấm ván nhỏ…

Đâm giáo nhọn vào yết hầu

Ở hầu hết các buổi biểu diễn kungfu đều ít khi thiếu màn biểu diễn mạo hiểm này. Trên võ đài là vài võ sĩ và một cây giáo dài, nhọn hoắt. Cao thủ vận công và xuống trung bình tấn hoặc đinh tấn. Mũi giáo nhọn hoắt được đặt vào yết hầu cao thủ, cán giáo do một võ sĩ khác cầm. Hoặc võ sĩ, hoặc cao thủ sẽ tiến lại, ngọn giáo chọc mạnh vào yết hầu và cong oằn… Để thêm phần ly kỳ, có cao thủ còn đặt thêm vài viên gạch phía sau gáy cho võ sĩ khác dùng búa đập mạnh, vỡ tan tành mà yết hầu không hề hấn gì trong tiếng vỗ tay như sấm của người xem… Bí mật của màn kungfu này nằm ở chỗ cán giáo bị uốn cong. Khi bị uốn cong, người xem sẽ có cảm giác yết hầu của cao thủ bị đâm đến mức cong ngọn giáo. Thực tế, khi bị uốn cong, mũi giáo không còn đâm thẳng vào yết hầu cao thủ mà nằm chếch lên cằm, đè lên yết hầu chứ không phải đâm thẳng vào yết hầu cao thủ. Hơn nữa, phần chịu lực nhiều nhất chính là điểm oằn của ngọn giáo.

Hãy thách thức màn Kungfu đâm giáo vào yết hầu bằng cách đưa cho cao thủ một ngọn giáo cán bằng tre cứng, có mũi sắt nhọn. 

Đấm vỡ, chặt vỡ 5 viên gạch chỉ

Ở màn kungfu này, cao thủ sẽ phô bày nội công thâm hậu bằng cách dùng nắm đấm hoặc cạnh tay để làm vỡ 5 viên gạch xếp chồng lên nhau trên hai viên gạch nằm ngang ở dưới cùng. Thông thường, khi những viên gạch được mang ra võ đài, cao thủ sẽ bắt quyết, nhắm mắt, vận công rồi từ từ tiến về phía những viên gạch, quỳ một chân, đấm hoặc chém vỡ 5 viên gạch chỉ trong nháy mắt. Bí mật nằm ở chỗ những viên gạch. Thực chất, để biểu diễn màn kungfu này, người thực hiện cũng phải qua một thời gian luyện tập và có sức khỏe. Tuy nhiên, những yếu tố đó chưa thể làm vỡ 5 viên gạch nếu những viên gạch này không được lựa chọn trước. Đó phải là những viên gạch còn non, thậm chí mang ngâm nước, tác động cho gần vỡ vào đêm hôm trước biểu diễn… Từng có chuyện một phái võ khi thể hiện kungfu này tại nhà văn hóa ở thị trấn Phùng, Hà Nội đã bị ê mặt vì đúng lúc cao thủ chuẩn bị thực hiện màn công phá thì một khán giả ném ra võ đài 2 viên gạch nung màu đen sẫm và hô "công phá 2 viên này đi". Kết quả, cao thủ buộc phải công phá 2 viên gạch hôm đó bị sưng tay mà gạch vẫn… không vỡ. Theo quan điểm của người viết bài này, nếu là gạch nung già, người có thể dùng tay chặt vỡ 3 viên gạch là rất ít.

Thách thức: Đổi gạch để chứng kiến kungfu thực sự.

Kungfu… nâng bàn bằng răng. 

Dùng răng để nâng bàn hoặc nâng xe đạp

Trong những màn biểu diễn kungfu, một số cao thủ đã dùng răng cắn vào cạnh bàn uống nước nặng hàng chục kg hoặc cắn vào gác ba ga (đèo hàng) xe đạp rồi xuống tấn, nâng chiếc bàn hoặc chiếc xe đạp lên ngang mặt. Những người ít hiểu biết về võ học ngộ nhận rằng cao thủ này đã phải khổ luyện để thực hiện màn kungfu này. Bí mật khá đơn giản: Ai có sức khỏe cũng làm được, thậm chí không cần tập luyện ngày nào. Ở màn biểu diễn này, cao thủ chỉ làm mỗi việc là dùng răng cắn vào cạnh bàn hoặc gác ba ga xe đạp rồi từ từ… đứng lên. Sức nặng của chiếc bàn hoặc chiếc xe đạp không tác động vào răng cao thủ mà tác động vào… bụng người biểu diễn vì khi đứng lên, chân bàn hoặc bánh xe đạp đã tỳ vào bụng cao thủ. Đây chính là nơi chịu tác động và với bất cứ người nào, việc bụng phải chịu tác động khoảng 20 - 30 kg là quá đơn giản.

Thách thức: Yêu cầu cao thủ không được để chân bàn hoặc bánh xe chạm vào bụng.

Dùng thanh sắt đập vào mạng sườn, cong sắt

Sau khi đi vài đường quyền trên võ đài, cao thủ xuống tấn. Một võ sĩ to con lừ lừ tiến lại gần, trên tay cầm một thanh sắt dài khoảng 1m hoặc hơn, rộng khoảng 8cm, dày 1cm. Để chứng minh là thanh sắt rất cứng, võ sĩ có thể cầm thanh sắt vụt mạnh vào tường hoặc đá… Những mảnh tường bung ra, đá tóe lửa. Sau khi cao thủ xuống tấn, võ sĩ dùng hết sức vụt mạnh vào sườn cao thủ. Thanh sắt cứng cong oằn thành hình chữ V. Bí mật nằm ở độ dài của thanh sắt. Nếu người xem chú ý sẽ thấy điểm thanh sắt tiếp xúc với mạng sườn của cao thủ bao giờ cũng nằm ở gần tay võ sĩ cầm thanh sắt. Khi vụt thanh sắt ở điểm này vào sườn cao thủ, phần lực mạnh nhất là ở đầu bên kia của thanh sắt, và với đà văng về phía trước nhưng bị chặn lại ở phần cuối, thanh sắt buộc… phải cong hình chữ V.

Thách thức: yêu cầu võ sĩ vụt đầu thanh sắt vào sườn cao thủ…

Trên đây chỉ là vài ví dụ để lật tẩy cái gọi là "thượng thặng kungfu" của một số người tự xưng là cao thủ võ lâm. Thực tế, những trò lòe bịp thiên hạ còn vô khối nhưng vì không muốn đụng chạm nhiều nên người viết không tiện nêu ra ở đây. Có thể nói rằng, những người thực sự có võ công thâm hậu ở Việt Nam chỉ là số ít. Đa số chỉ là hư danh, có nhiều thứ gọi là kungfu này kia thực tế chỉ để múa may, biểu diễn cho đẹp mắt không thể hữu dụng khi lâm trận thực sự.

Có một thực tế nữa, khá phũ phàng nhưng đa số những người học võ đều ngầm hiểu: 10 năm luyện võ chưa chắc đã đánh thắng một người không biết tí gì vì võ học vì khoảng cách giữa bài bản và thực tế là… quá xa. Cao thủ thực sự dạy rằng, luyện võ là để luyện tâm, luyện bản lĩnh, luyện đạo làm người… Người luyện võ thực sự không cần phô trương.

Nguồn : Sưu tầm

Post a Comment

 
Top