Chùa Thiếu Lâm của Trung Quốc nổi tiếng trên toàn thế giới. Ảnh:
Gscn
Chùa Thiếu Lâm hay thường được gọi
là Thiếu Lâm Tự là một ngôi chùa tại núi Tung Sơn ở thành phố Trịnh
Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Chùa nổi tiếng từ lâu nhờ mối liên hệ giữa Phật
giáo và võ thuật. Là cái nôi của Thiền tông Trung Hoa, đây được cho là một
cơ sở Phật giáo nổi tiếng nhất đối với phương Tây.
Tuy nhiên, võ thuật của Thiếu Lâm Tự lại
được biết đến nhiều nhất đối với người Á Đông, chùa Thiếu Lâm với võ phái Thiếu
Lâm được xem là nguồn gốc các phái võ Trung Quốc hiện nay và có nguồn gốc từ thế
kỉ thứ 5 hoặc thứ 6. Theo truyền thống, các nhà sư Thiếu Lâm phát triển kỹ năng
võ thuật như một phương tiện giữ gìn sức khỏe, một hình thức kỷ luật về tinh thần
và thể chất, đồng thời có thể phòng thủ sự tấn công của kẻ địch.
Mặc dù có bề dày lịch sử lâu dài như vậy
nhưng trải qua nhiều biến động của chiến tranh và sự suy thoái kinh tế của
Trung Quốc nói chung, Thiếu Lâm Tự trở nên suy tàn, vào giai đoạn những
năm 1980, tình trạng Thiếu Lâm Tự rất khó khăn. Cả chùa chỉ có hơn 10 hòa thượng,
trong đó có 9 vị cao tuổi và chỉ hoàn toàn dựa vào việc trồng cấy để sống qua
ngày.
Từ một ngôi chùa già cỗi và nghèo khó, để
vươn lên trở thành một trong những ngôi chùa giàu có và nổi tiếng nhất Trung Quốc
như hiện nay, là nhờ rất nhiều vào công lao và sự chèo lái của trụ trì hiện nay
Phương trượng Thích Vĩnh Tín.
Thích Vĩnh Tín, 49 tuổi, người tỉnh An
Huy, miền trung Trung Quốc. Năm 16 tuổi, ông xuất gia, tu ở Thiếu Lâm Tự và
nhận phương trượng thời đó là Hành Chính pháp sư làm thầy. Sau Thích Vĩnh Tín
được cử đi tu học ở các chùa lớn khác ở Giang Tây, Bắc Kinh… đến năm 1984, quay
về Thiếu Lâm Tự và trở thành cánh tay phải của phương trượng Hành Chính. Sau
khi Hành Chính đại sư qua đời, Thích Vĩnh Tín được chọn làm trụ trì chùa Thiếu
Lâm Tự đó đến nay.
Một tay vực dậy Thiếu Lâm Tự
Đội võ thuật Thiếu Lâm đang thi triển những kỹ thuật khó. Ảnh: Chinanews
Chứng kiến cảnh điêu tàn của Thiếu Lâm Tự,
từ khi vào chùa, Vĩnh Tín đã chủ trương phải phát triển kinh tế, dựa vào tiềm lực
kinh tế để phô trương thanh thế của Thiếu Lâm Tự. Trải qua hơn 10 năm theo đuổi
con đường kinh doanh, Thích Vĩnh Tín đã đưa Thiếu Lâm Tự bước lên đỉnh hoàng
kim, tiếng tăm lẫy lừng, chỉ tính riêng tiền vé vào cửa tham quan mỗi năm lên tới
150 triệu nhân dân tệ (khoảng 24 triệu USD).
Ngoài ra, thu nhập của Thiếu Lâm Tự còn
phải kể đến vô số các khoản thu khác bao gồm kinh doanh dược phẩm, bản quyền
thương hiệu từ các công ty giải khát, phim ảnh… Thiếu Lâm Tự được cấp phép mở
viện thuốc trong khuôn viên, đa số các du khách đều ghé mua thuốc mang về.
Bắt đầu từ năm 1986, Thích Vĩnh Tín tập
trung phát triển hoạt động quảng cáo, tuyên truyền về Thiếu Lâm Tự và tinh hoa
võ thuật Thiếu Lâm. Có được thành công đó là nhờ vào chính sách của Thích Vĩnh
Tín để biến Thiếu Lâm Tự vươn lên thành một doanh nghiệp có quy mô toàn cầu.
Thích Vĩnh Tín rất chú trọng phát huy những
thế mạnh của Thiếu Lâm Tự nhằm quảng bá hình ảnh ra bên ngoài, ví dụ thành lập
đội võ thuật Thiếu Lâm, sau phát triển thành đội võ thuật tăng đoàn. Ông thường
xuyên dẫn đầu đoàn võ thuật Thiếu Lâm đi biểu diễn công phu khắp trong và ngoài
nước, đến đâu đội võ thuật Thiếu Lâm cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của
khán giả.
Nhờ bước đệm này, Thích Vĩnh Tín mở rộng cửa
chào đón các đệ tử ngoại quốc xin quy y và theo học tại Thiếu Lâm, mở nhiều chi
nhánh của chùa tại khắp các địa phương và lan ra nước ngoài.
Thiếu Lâm Tự tiếp đón 250 đệ tử thuộc Hiệp hội quyền pháp Thiếu
Lâm, chi nhánh tại Mỹ. Ảnh: Chinatimes
Thích Vĩnh Tín cũng rất nhanh nhẹn trong
việc quảng bá hình ảnh của Thiếu Lâm trên các phương tiện đại chúng. Đến năm
1997, dưới sự chỉ đạo của ông, chính thức thành lập công ty TNHH điện ảnh Thiếu
Lâm Tự. Công ty điện ảnh này liên tục cho chế tác và xuất bản nhiều ấn phẩm
sách báo, phim ảnh, băng nhạc… để tuyên truyền cho văn hóa Thiếu Lâm, đưa hình ảnh
Thiếu Lâm Tự đến gần với mọi tầng lớp công chúng. Lợi nhuận thu được từ phim ảnh,
bản quyền…đã góp phần đáng kể cho ngân quỹ của Thiếu Lâm Tự.
Chủ trương của trụ trì Thiếu Lâm Tự là
đưa đạo gần gũi với đời. Các nhà sự tu tập trong chùa không chỉ đóng cửa tụng
niệm kinh kê, mà cần phải tiếp xúc với các nguồn thông tin bên ngoài, nắm được
tình hình, xu hướng trong nước và thế giới. Tháng 8/2002, Thiếu Lâm Tự ra mắt
website chính thức của chùa. Các sư trong chùa Thiếu Lâm được hướng dẫn để sử dụng
Internet để đọc tin tức và chat với người bên ngoài.
Bằng ảnh hưởng và các mối quan hệ thân
tình với giới quan chức lãnh đạo, Thích Vĩnh Tín đã thành công trong việc đề cử
núi Tung Sơn và Thiếu Lâm Tự là khu vực di sản văn hóa của địa phương và được
chính phủ chính thức phê duyệt. Không chỉ thiết lập mối quan hệ thân thiết với
các lãnh đạo chính phủ cấp quốc gia, trong nhiều sự kiện quan trọng của quốc
gia, trụ trì Thích Vĩnh Tín thường được tiếp cận thân mật với các nguyên thủ nước
ngoài.
Trụ trì Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh TÍn (giữa) có mối quan hệ thân thiết
với các ngôi sao điện ảnh. Ảnh: People's Daily
Thị phi
Thiếu Lâm Tự ngày nay trở thành quốc bảo
của Trung Hoa và nổi tiếng vang dội trên toàn cầu. Công lao của Thích Vĩnh Tín
là không thể phủ nhận, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi, phản đối trong dư luận.
Những ý kiến phản đối cho rằng, chùa chiền là
nơi tu tập thiền tịnh của các tăng sư, tuy nhiên dưới sự chỉ đạo của trụ
trì Vĩnh Tín, đã biến Thiếu Lâm thành một cỗ máy in tiền. Tên của ngôi
chùa trở thành thương hiệu được các công ty tranh giành, khuôn viên chùa bị biến
thành nơi kinh doanh các đồ lưu niệm, bán thuốc, từ một ngôi chùa nay thành một
công ty, được đẩy lên sàn giao dịch, phát hành cổ phiếu.
Các nhà sư trong chùa vốn là người tu
hành, nên đóng cửa giữ tâm thanh tịnh, nghiên cứu Phật pháp, thì nay, dưới
chính sách mở cửa hội nhập của trụ trì, sư được sử dụng máy tính có kết nối
internet, kết bạn chuyện trò, tiếp xúc với đủ mọi luồng thông tin của đời sống
phức tạp. Việc đưa các sư xuất ngoại biểu diễn võ thuật, nhằm thu tiền và
phô trương thanh thế cũng bị nhiều người đánh giá là không phù hợp với chủ
trương và đường lối của Phật giáo.
Bản thân trụ trì Thích Vĩnh Tín, tuy giữ
chức đội trưởng đội võ thuật nhưng lại không biết chút võ thuật nào. Lối sống của
trụ trì khác hẳn với lối sống của một nhà tu hành. Từ khi vào chùa tới nay,
Vĩnh Tín rất ít khi tụng kinh niệm Phật, mà chỉ chuyên tâm lo tiếp khách, đối
ngoại, ký kết hợp đồng. Những khoản thu khổng lồ không được công khai minh bạch,
lối sống không phù hợp, những tin đồn tình cảm bên ngoài...tuy không được chính
thức xác nhận nhưng cũng làm nhiều người hoài nghi về sự "chân tu" của
các tăng sư trong Thiếu Lâm Tự.
Thu Hằng (tổng hợp)
Post a Comment