Xa Luân Chuỳ - Búa nhà trời 
(đánh tay vòng cung liên hoàn) 


Đây là bài thứ 5 trong hệ thống Thiếu Lâm Nam Phái KungFu, sau các bài (Bát thủ - Bát cước trận, Xa Quải Mã, La Hán quyền, Quan bế môn - Đả khai môn) lấy tấn công làm tư tưởng chủ đạo. Phong cách toàn bài thể hiện lối đánh tấn công, được truyền từ phong cách miền Bắc xuống miền Nam Trung Hoa. Cánh tay theo nhau, hỗ trợ cùng tấn công, tạo hình vòng cung tròn lớn. Động tác tay của toàn bài giống như lối ra tay trong môn Phách Quải – Thông Bối của miền Bắc Trung Hoa.  

Chân đi Tứ Tượng, đồ hình là Tứ Bình. Với lối tấn công liên tiếp, uy lực như vũ bão, cánh tay vung tròn, tạo lực đòn rất lớn, từ lối vặn xoắn eo hông truyền từ chân, qua eo lưng lên vai, rồi ra tới nắm tay. Khi tạo lực tay đánh vòng cung liên hồi, thì toàn thân phải kết khối vững chắc, tay theo tay, không ngừng tấn công. Đây là những kỹ thuật tay vòng cung phối hợp tấn công liên hoàn, với lối tấn công dồn dập rất mạnh trong Nam quyền. 2 cánh tay liên tục vung ra theo hình vòng cung tạo lực mạnh mẽ, bao vây, công phá đối thủ từ mọi hướng : từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, ... không cho đối thủ có cơ hội chống đỡ. 
Điểm chủ đạo của Xa Luân Chuỳ là vung tay như quai búa, như quả chuỳ giáng vào đối thủ, tạo lực bằng cách vặn xoắn eo hông, lấy tay đòn dài làm đòn bẩy, cung tròn làm chủ, chân đạp “Tứ Tượng” làm nền. 

Hơi thở trong toàn bài sẽ thuận theo tự nhiên vốn có. Động tác tay vung dài, đánh rộng, luân xa theo đường tròn, nên rất có lợi cho hơi thở. Nhịp thở có thể thay đổi tuỳ người, tuỳ độ nhanh chậm của động tác, tuỳ theo cá tính cá nhân. Đánh nhanh thì thường thở gấp, nhịp ngắn, gia tốc đòn lớn, hợp với lối đánh võ đài. Đánh chậm, nhịp thở dài và sâu, gia tốc vừa phải, rất hợp với lối dưỡng sinh.  

Vì toàn bài là những đường tròn liên kết và nối tiếp nhau, nên toàn thân sẽ tự kết khối, tạo lực mạnh mẽ, hơi thở sẽ thuận hoà, nhịp tim mạch sẽ bình ổn đều và chậm. Trong yếu tố dưỡng sinh điều kiên quyết là vận động vừa phải, hơi thở phải dài, trầm lắng và sâu, vận động gia tăng nhưng không được tăng nhịp tim lên quá mức bình thường.  
Do lực vặn eo hông lớn, nên đòi hỏi môn sinh phải giữ thăng bằng tốt. Xa dùng cả cánh tay đòn dài mà đánh, hay vung chân đá - đạp mà tiến. Gần dùng lực eo, lực hông, kết hợp với lực xoay từ chân lên, xoắn lực tạo ra của eo và thân để mà tỳ - đè – chèn - ép đối thủ.  

Quyền pháp của Xa Luân Chuỳ thiên nhiều về quyền chiến, nhưng vẫn giữ được những thâm ý dưỡng sinh một cách tích cực. Trong ngạn ngữ võ thuật cổ Trung Hoa có câu : “Khi thêm Phách Quải vào, quỉ thần đều sợ hãi. Khi thêm Bát Cực vào, chỉ điên khùng mới chống lại.” chính là bởi ngụ ý này. Trong thực tế 2 môn quyền thuật miền Bắc kể trên, thường được gia giảm thêm vào trong các nội dung các thuật kỹ kích của Nam Quyền, như các môn danh quyền : Hồng Gia, Thái Gia, Lý Gia, Mạc Gia, Lưu Gia, Phật Gia, ... Ngoài bộ tay ra, binh khí như côn của Thiếu Lâm Nam Phái KungFu, cũng có sự gia tăng uy lực đáng kể khi thêm một số kỹ pháp của Phong Ma Côn từ Phách Quải. (về côn pháp sẽ được trình bày ở phần nội dung khác). 

Cũng do bởi Xa Luân Chùy cũng là lối đánh của côn 2 đầu (đầu Long, và đầu Hổ), nên môn sinh cũng dễ hình dung ra đòn tiếp theo sẽ như thế nào, nên vô cùng dễ nhớ, dễ thuộc, dễ ứng dụng. Khi “đầu côn” đánh, thì “đốc côn” theo; Khi “gốc côn” đánh, thì “ngọn côn” theo; 2 tay như 2 đầu côn và đuôi côn liên tục hỗ trợ, tiếp ứng cho nhau, như song xe trên bàn cờ tướng, nên còn gọi là lối đánh “song Xa” (Lối đánh của Thiếu Lâm Nam Phái KungFu cũng khắc hoạ cả 7 quân cờ tướng như : Tướng -  Sĩ - Tượng – Xe – Pháo – Mã - Tốt, nhưng phần này sẽ được trình bày ở một phần khác.) 

Lưu ý : Để đánh tốt và ứng dụng được Xa Luân Chuỳ, thì đòi hỏi môn sinh phải luyện công phu cánh tay cho tốt.  

Sử dụng cho đánh võ đài : 
-      Xương Cốt cánh tay không đủ cứng, vừa chạm đã bị đau, không dùng được.  
-      Gân cánh tay không đủ dẻo, lực vung yếu, hay mỏi vai, không dùng được.  
-      Khớp vai không đủ lỏng, không dùng được.  
-      Hơi thở kiểm soát kém, biểu hiện thở gấp - mặt tái, không dùng được.  
-      Không biết dùng eo hông (không hỗ trợ được cho tay khi bị thất thế), không dùng được.  
-      Bộ pháp không vững, không dùng được.  

Sử dụng cho dưỡng sinh : 
-      Lấy biên độ rộng để kéo dài hơi thở. 
-      Lấy cung tròn để động tác hoà hợp toàn thân, âm dương tương hỗ. 
-      Lấy hơi thở để dẫn tiến động tác 
-      Lấy nhịp chậm để tim mạch, huyết áp bình hoà. 
Rất phù hợp với mục đích dưỡng sinh. 
  



VÕ ĐƯỜNG  
Thiếu Lâm Nam Phái KungFu
Vs Hoàng Cao Phương 





Post a Comment

 
Top