Không giống như “Thập bát La Hán” của Bắc Thiếu Lâm, “Bát thủ - Bát cước trận” của võ đường Thiếu Lâm Nam Phái KungFu dựa trên nền tảng của võ thuật nhập nội cận chiến.
Theo sự truyền dạy của nhiều thế hệ sư phụ các đời trước, một phương pháp truyền dạy ngắn gọn - dễ nhớ - ứng dụng nhanh đã được truyền lại. Phương pháp này dựa trên “Bát thủ - Bát cước” của Nam Thiếu Lâm cùng với bài “Phục Hổ Quyền” (theo một số nguồn là của Hồng Hy Quan) để truyền dạy. Do thời điểm truyền dạy là vào lúc loạn lạc, giặc cướp khắp nơi, các hội nhóm bí mật chống đối Mãn Thanh như Hồng Môn Hội (Thiên Địa Hội) xuất hiện, cùng với nó là các cuộc khởi nghĩa nông dân dồn dập ở khắp các vùng thuộc Nam Trung Hoa.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra là phải có sự truyền dạy võ thuật thật nhanh cho các nhân sĩ võ lâm, bài bản phải đơn giản, thực dụng, vứt bỏ tất cả những kỹ thuật hoa mỹ vốn dĩ mất thời gian, cần có hiệu quả nhanh, thời gian luyện tập ít, triết lý sâu xa, huấn luyện được cho số đông,... Do vậy, khắp các nơi đều có sự truyền dạy võ thuật căn cốt thiên về ứng dụng như thế.
Không giống như triết lý luyện võ của Đạo Gia hay Phật Gia mà trong dân gian thêu dệt truyền miệng hay rỉ tai trước đó, 10 năm hay 20 năm tập luyện chăm chỉ, mới thành tài để xuất môn. Không phải là 30 năm, hay 3 năm để thành thục, mà là 3 ngày để có thể biết và có thể sử dụng và tập luyện Nam Quyền lâu dài sau này.
Các thế võ này đều thể hiện tính thực dụng cao, bao quát một phạm vi rộng, từ Công - Thủ - Phản - Biến đều ẩn chứa trong nó. Mỗi một thế võ đều có nhiều biến, từ chiều thuận chuyển sang chiều nghịch, từ công sang thủ, từ thủ chuyền sang công,...
Ở góc độ hẹp, “Bát thủ - Bát cước” còn có thể luyện tập được cả trong điều kiện không gian chật hẹp, chỉ cần 1m2 là đủ, có thể luyện tập được khi bị bị nhốt trong các phòng biệt giam. Trong bối cảnh đó, nhiều nhân sĩ võ lâm bị bắt và bị nhốt trong các nhà lao của Mãn Thanh, vẫn không ngừng gây dựng các lớp võ, bí mật truyền thụ lại cho không ít người, vừa nhằm luyện tập sức khoẻ, vừa có khả năng tự vệ khi cần thiết.
Một điều ẩn chứa trong “Bát thủ” này là phải tập luyện “Ma Kiều Thủ” nhiều. Thực chất, đây chính là lối luyện kín của Nam Quyền, đã có từ xa xưa trong Phật môn hay trong Đạo gia. Các Ma-Kiều này đòi hỏi vừa cương lại vừa nhu, vỏ (cơ – gân) mềm, nhưng ruột (xương cốt) chắc cứng. 8 thế nhưng lại có nhiều biến, có nhập nội, có nhập ngoại. Cương thì dùng ngoại kình, nhu thì dùng nội kình. (về Ma-Kiều xem thêm phần Ma-kiều ở mục khác)
Đôi tay, theo truyền thống Nam Quyền, đều phải rất linh hoạt, gân xương kết nối, ý đến khí chuyển thì tay vung, đôi tay tự tìm đường vào đối thủ không cần phải suy tính. Sự linh hoạt của đôi tay không phải do múa quyền nhiều mà có, cũng không phải do đứng tấn tạo dáng mà có, mà do sự luyện tập va chạm mỗi ngày mới tạo ra.
Chạm tay 1 lần khác với 100 lần, chạm 100 lần khác với 1000 lần, chạm 1000 lần khác với 1000 000 lần. Đôi tay vốn dĩ không phải tự nhiên sinh ra đã linh hoạt, cho dù trước đó các môn sinh đã bẩm sinh là người có đôi tay linh hoạt rồi. Lấy chuyên cần bù năng khiếu, 8 thế võ đã được tạo ra không phải dành cho môn sinh lười, càng không phải dành cho môn sinh sợ va chạm. Nếu đã sợ thì lại càng phải năng va chạm, va chạm nhiều tự khắc lỳ đòn, sẽ tự dày dạn kinh nghiệm trong giao đấu hay sử lý tình huống.
Đối với đồng môn hay đồng đạo võ lâm, trong luyện tập tuyệt đối nghiêm cấm lối vào tay ác ý. Ra đòn cần có điểm dừng, để tránh sứt mẻ tình huynh đệ, tránh những hậu quả đáng tiếc không mong muốn có thể xảy ra.
Theo sự truyền thụ, lúc truyền dạy các thế võ này, các vị sư phụ đều đặt nặng tính chiến đấu, một chữ “Sát” bao quát toàn bộ bài. Phần dưỡng sinh gần như không nhắc tới, nhưng nó lại rất đầy đủ khi luyện tập tiếp phần nâng cao của 8 thế võ này. Phần nâng cao của “Bát thủ”, dành cho các môn sinh bậc cao hơn, chuyên luyện bao gồm : luyện khí, luyện gân, luyện cốt. (phần luyện khí - luyện gân - luyện cốt - luyện ý lực sẽ đề cập tới trong mục khác). Lẽ dĩ nhiên, để có thể va chạm, ứng dụng được “Bát thủ” thì cũng cần luyện tập với Sa Bao Thung (thế trận bao cát) nữa.
Ngoài ra còn có luyện tập “Bát Thủ” với mộc nhân thung. Môn sinh sẽ chọn cho mình một bạn tập trung thành, không bội phản (vì mộc nhân thì không biết đánh lại mình bao giờ). Những khi không có đồng môn để tập đối kháng, hay tập Ma Kiều, thì đây là giải pháp lực chọn. Thêm nữa, những khi luyện đòn còn có thể ra thật tay được, với bạn tập thì rất nguy hiểm. Bí mật về lối luyện tập với mộc nhân thung còn rất nhiều, thông thường các môn sinh trong Nam Quyền phải trải qua một thời gian đủ dài, thì người thày sẽ truyền đạt đầy đủ lại. (phần luyện tập với Mộc nhân thung sẽ có ở mục riêng).
Với phần luyện mộc nhân của “Bát Thủ” thật là rất đơn giản, hãy làm cho thuần thục, thì đôi tay sẽ tự nhiên. Tay đánh, tay đỡ, tay công, tay thủ đều hết sức mạch lạc, và rõ ràng. Luyện “Hình” thế nào, thì đánh sang mộc nhân cũng y như thế tay đấy.
Môn sinh cũng phải nắm được, vì hoàn cảnh ra đời và truyền dạy trong thời điểm đó với bây giờ là rất khác nhau. Thời loạn lạc, võ đặt nặng chữ “Sát”, thời thái bình, võ có xu hướng thiên về tính “dưỡng sinh”. Luyện tập đều phải có nhiều giai đoạn, có các mục tiêu phấn đấu như : đòn thế chuẩn chưa, gân dẻo dai chưa, xương cứng chắc chưa, tay chân linh hoạt chưa, hơi thở bình hoà chưa, va chạm tốt hơn chưa, ...
Võ thuật của Nam Quyền – Nam Thiếu Lâm nói chung, theo sự truyền dạy thời chiến (hay thời loạn), vốn dĩ không coi trọng lắm về “Hình”, mà coi trọng phần “Ý”. “Hình đẹp” mà vô dụng thì cũng bỏ, “Ý đẹp” mà thiếu chữ “Sát” cũng bỏ. Quá nhiều bài quyền cũng là không cần thiết, lãng phí thời gian. Quá nhiều động tác, cũng sẽ khó chuyên luyện.
Nhìn “Hình” không thể nắm bắt được “Ý”, biết được “Ý” cũng không thể đoán mò ra “Hình”. Tất cả đều cần sự chuyên luyện mà đạt được. Không gian chật hẹp thì luyện kiểu hẹp, không gian thoáng rộng thì luyện kiểu rộng, ứng biến thay đổi tuỳ thời. Tập luyện thì đầy đủ cả “Ý” lẫn “Hình”, lúc dùng thì xoá “Hình” còn mỗi “Ý”. Không lộ “Hình”, thì ta còn ở thế chủ động. Bị lộ “Hình”, gặp đối thủ trên cơ, hay có ý đồ sấu, rất dễ bị bắt bài.
Trên hết “Bát thủ - Bát cước trận” là lấy “Ý” để chuyển “Hình”, ứng theo câu “Võ thuật không cốt nhiều, mà cốt ở tinh.”
VÕ ĐƯỜNG
Thiếu Lâm Nam Phái KungFu
VS. Hoàng Cao Phương
Post a Comment