HAI LẦN ĐẠI PHÁ ‘‘XÃ HỘI ĐEN’’

Tập ngáp, tập nghiến răng, tập nhai … đá sỏi

Mỗi một bài quyền hay những môn công phu đặc dị đều là sự khổ luyện, giờ nghĩ lại, nhiều lúc võ sư Thắng cũng thấy nổi da gà. Thiết sa chưởng là một ví dụ. Cha ông đưa cho ông 12 cây đũa thẳng tắp, được ông tự vót từ thân tre già. Tháng đầu tiên, bằng tay không, một chưởng, ông phải cắm ngập chiếc đũa đó xuống nền đất cứng. Võ sư Văn Thắng kể, sợ hãi nhất là tháng đầu tiên. Nếu vận khí không tốt thì chiếc đũa không những không cắm xuống đất mà còn xuyên ngược vào tay mình. Tháng thứ hai, vẫn một chưởng nhưng phải cắm liền lúc 2 chiếc đũa. Tháng thứ ba là 3 chiếc đũa, đến tháng 12 thì cả 12 chiếc phải cắm được ngập thân trong lòng đất. Thiết sa chưởng của võ sư Thắng bây giờ có lễ chẳng ai bì kịp. Đã rất nhiều lần ông kê bàn tay của mình trên nền nhà để mọi người thẳng tay cầm vồ gỗ mà nện thoả sức chẳng khác nào đưa tay vào cối để giã, trong khi ông vẫn đang tươi cười nói chuyện.

Từ trước đến giờ, làng võ vẫn thừa nhận, khẩu lợi công của Thăng Long võ đạo là thiên hạ vô song. Võ sư Thắng bảo, chính bởi luyện môn công phu đặc dị này mà hàm răng trên của ông đã mòn vẹt, thành hình vòng cung trông rất khác người. Theo võ sư Thắng, luyện khẩu lợi công đòi hỏi người tập luyện phải có lòng kiên nhẫn, và một quyết tâm bền bỉ, sắt đá. Ban đầu, người học chỉ tập mỗi động tác ngáp. Một ngày cứ thế ngồi ngáp đến cả vạn lần. Sau tập ngáp là tập nghiến răng. Tư thế nào thì cũng chỉ chú tâm vào việc … day ‘bộ gặm nhấm’ ấy. Sau động tác đó, người luyện chuyển sang ngậm sỏi, nhá sỏi. Khi răng, hàm đã cứng, đã có lực thì chuyển sang nâng, nhấc, kéo những vật nặng. Ban đầu thì nhấc những túi cát nặng chừng 10 kg, sau đó tăng dần … thành chiếc cối đá nặng đến nửa tạ.

Có thể nhai vỡ liền lúc hàng trăm cốc thuỷ tinh

Trước đây, năm 1989, Liên hoan Võ thuật cổ truyền toàn quốc, võ sư Thắng khi đó nặng chỉ52 kg nhưng đã dùng khẩu lợi công nhấc cả chiếc bàn với đỉnh đồng, nến, hạc, kiếm, ảnh Đạt Ma Sư Tổ… nặng đến xấp xỉ 80 kg. Sau mấy chục năm tu luyện, bây giờ, khẩu lợi công của võ sư Thắng đã đạt tới mức thượng thừa. Ông bảo, với hàm răng thép của mình, ông có thể nhai vỡ liền lúc mấy trăm chiếc cốc thuỷ tinh.

Bởi là môn phái có những công phu dị thường nên rất nhiều lần Thăng Long võ đạo được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Hà Nội mời đi biểu diễn giao lưu với các đơn vị khác. Võ sư Thắng bảo, đến giờ ông vẫn còn ấn tượng với lần lên Hoà Bình biểu diễn khí công cho các công nhân của Nhà máy Thuỷ điện sông Đà xem. Sở dĩ ông nhớ lần trổ tài kinh hồn ấy là bởi khi về, ông đã bị họ hàng mắng cho một trận te tua. Ai cũng bảo, ông học lắm rửng mỡ, đùa với chính mạng sống của mình. Ông kể, lần ấy, bởi được báo muộn, chưa kịp chuẩn bị tiết mục gì lạ nên ông đành chọn môn khí công chịu lực. Vật dụng để biểu diễn là khối bê tông nặng gần 3 tạ, ông mượn tạm từ bể nước của khu tập thể gần nhà mình. Tại công trường, khi các công nhân đã quây quần đông đủ, sau khi phô diễn những bài quyền cước đẹp tựa phượng múa, rồng bay thì tiết mục khí công chịu lực mở màn. Vị võ sư thể gầy nhẳng như que củi vận khí nằm im trên nền gạch. Khối bê tông 3 tạ được cần trục đưa tới, từ từ đặt lên người ông. Mọi người nín thở sợ hãi. Khi khối bê tông đã yên vị thì hai lực sĩ hai bên, mím môi mím lợi dùng búa tạ, nhè khối bê tông mà quai thật lực. Quai sã cánh tay mà khối bê tông không chịu vỡ, người võ sĩ bên dưới vẫn cứ nằm im thin thít, chẳng chút chau mày. Không tin vào mắt mình, hai chuyên gia Liên Xô lực lưỡng nhảy vào, giằng lấy búa đập tiếp. Lại một thôi một hồi những tiếng búa chan chát vang lên, nhưng khối bê tông vẫn trơ trơ. Người nằm dưới thì vẫn nét mặt thản nhiên như đang ngẫm nghĩ điều gì mông lung lắm. Mỏi tay, hai chuyên gia đành buông búa, trầm trồ thán phục. Khi khối bê tông được nhấc ra, mọi người đã ùa vào sờ sờ nắn nắn khắp người vị võ sư tài giỏi. Họ ngạc nhiên bởi không hiểu thân hình vị võ sư được ‘kết cấu’ bằng gì !?

Xuất chiêu vì … chiếc săm xe đạp

Trong suốt cả đời luyện võ, có hai lần ông cực chẳng đã phải đại phá … ‘‘xã hội đen’’
Lần thứ nhất xảy ra cách đây đã hơn 20 năm. Chiều ấy, bởi vợ đang mang bầu, sắp sinh, ông đạp xe lên mạn hồ Hoàn Kiếm đón. Qua ngã tư Tràng Tiền, chẳng hiểu thế nào xe của vợ chồng ông bị xịt lốp. Thấy thế, toán sửa xe, toàn những tay thanh niên, mặt mày bặm trợn ở gần đó đã lôi xềnh xệch xe của ông vào đòi sửa. Thử săm, một gã bảo, bị thủng 3 lỗ lớn, phải vá thì mới đi được. Vá xong, trả tiền, ông giật mình khi gã đó phát giá bằng đúng nửa tháng lương bác sĩ của mình. Biết đã gặp bọn xấu bắt chẹt khách nhưng ông từ tốn xin chúng giảm giá, nhưng dù trình bày thế nào thì chúng cũng chẳng chịu nghe, thậm chí còn hùng hổ đe doạ. Cực chẳng đã, ông đành bảo vợ ở lại để mình chạy bộ về nhà lấy tiền. Rửa tay nhờ chậu nước thử săm xe, ông đã tá hoả khi phát hiện trong chậu nước đục ngầu có một miếng cao su, được cắm những chiếc đinh nhọn hoắt. Thảo nào, khi nãy, xe của ông bị hết hơi rất chậm mà khi thử đã có đến ba nốt thủng. Cầm miếng cao su cắm đinh ấy, ông quyết định vạch mặt quân gian trá. Bị lật mặt, đám thợ sửa xe sửng cồ, chúng đè ngửa xe ông ra, tháo lấy săm và cắt nát tươm. ‘‘Xử lý’’ xong cái săm, thằng cầm búa, đứa cầm kéo đòi tính sổ ‘vợ chồng thằng nhiều chuyện’’. Uất ức, ông quyết định dạy cho bọn chúng một bài học nhớ đời. Nói thầm với vợ tạm lánh sang bên kia đường, ông ra tay. Lúc này, dân đi đường túm lại rất đông, ai cũng lo cho chàng thanh niên mảnh khảnh, nhưng sợ nên chẳng ai dám can ngăn. Thấy vợ đã ra khỏi ‘‘vùng nguy hiểm’’ ông xuất chiêu luôn. Bốn năm tên đồng loạt lao vào nhưng chỉ trong chớp mắt, đứa thì ngã sõng soài dưới cống, đứa thì lộn lên hè kêu la thảm thiết. Thấy chiến hữu đều bị hạ đo ván một cách khó hiểu, có tên từ phía sau, chực vung búa lên đánh lén. Thấy mọi người chỉ, ông quay phắt lại. Gặp ánh mắt sắc lẹm của ông, tên này chân tay bủn rủn. Buông ‘vũ khí’ trên tay, hắn co cẳng chạy. Thấy ông ra tay ngoạn mục, dân bên đường đồng loạt vỗ tay tán thưởng. Sau này, những người dân quanh đó nói bọn chúng đều là những phần tử ‘thương tích đầy mình’.


VS Nguyễn VănThắng


3 trận chiến – 1 kẻ thù

Lần ra tay thứ hai, ông bảo, đó là cuộc chiến dai dẳng, khó chịu. Mở lớp dạy võ tại nhà (phố Hồng Mai) ông luôn bị đám đầu gấu ở quanh khu vực đó quấy nhiễu. Môn đệ của ông liên tục bị chặn đường xin đểu, lúc thì lại bị mất đồ xe máy. Một hôm, có môn sinh báo mất cốp xe, bực mình, ông liền đi gặp mấy tên lưu manh ấy để ‘làm cho ra nhẽ’. Gặp nhau ở quán nước, hỏi thì thằng nào thằng ấy đều chối đây đẩy. Biết có hỏi nữa cũng chẳng được gì, thất vọng, ông đứng dậy ra về. Để răn đe chúng, khi đứng dậy, tiện tay, ông đã vỗ luôn một chưởng vào bức tường rào gần ấy. Cú đòn răn đe ấy đã làm bức tường sụt một mang lớn. Sau đấy vài hôm, đám lưu manh bị công an bắt. Tại cơ quan công an, chúng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, trong đó có cả việc ‘nhảy đồ’ ở lò võ của võ sư Thắng. Bị phạt tù, chúng uất ức, cho rằng chính vị võ sư là người tố giác hành vi phạm tội của mình, chúng nung nấu ý định trả thù.

Năm 1987, sau khi thụ án 2 năm, mấy tên trong băng nhóm đó mãn hạn. Về nhà, chúng tuyên bố, việc đầu tiên để ‘làm lại cuộc đời’ là tìm ‘gã’ võ sư đáng ghét để rửa hận. Võ sư Thắng kể, sáng ấy, đang ngồi ăn phở ở đầu phố thì thấy chúng chừng 7, 8 tên lăm lăm trên tay ‘hàng lạnh’, hùng hổ kéo nhau vào quán. Biết chúng kiếm mình gây sự, ông chuyển lại tư thế ngồi, quay lưng vào tường và vẫn đủng đỉnh ăn như không có chuyện gì. Liếc thấy có tên lao vào, ông đứng phắt dậy, tay trái gạt chiếc chai hắn đang nện tới, tay phải dùng đũa dứ ngay trước mặt. Có lẽ biết nếu ông xuống tay thì đôi mắt của mình coi như hỏng, tên này sợ hãi đẩy đồng bọn lùi ra. Ông cũng thủ thế từ từ bước ra ngoài. Biết không thể đánh trực diện ông, chúng cũng nháy nhau giải tán.

Đêm ấy, kéo thêm cả chục tên lưu manh nữa, chúng đến thẳng cửa nhà ông chửi bới om sòm. Không thể lảng tránh, một mình ông xách kiếm mở cửa bước ra. Thanh kiếm sáng loáng trên tay, ông cứ thế múa vun vút. Nhìn sắc mặt, nghĩ là ông không doạ nên chẳng đứa nào dám xông vào ẩu đả. Công an ập đến, tất thảy được đưa về phường. Tưởng sau lần ấy, chúng thôi không giở thói du côn, ỷ đông hiếp yếu, nào ngờ, chúng vẫn tuyên bố, gặp ông ở đâu là đánh chết luôn ở đó. Và, đã vài lần chúng dao búa phục ông ở cổng bệnh viện nhưng được mọi người báo, ông đều lánh mặt an toàn.

Thấy không đánh thì không yên nên một buổi đi làm về, ông quyết định ra đòn. Hôm ấy, biết chúng tụ tập phục mình ở cổng bệnh viện, ông gửi lại xe và chiếc cặp da trên tay, ông thủng thẳng rảo bộ về nhà. Thế nhưng, vừa ra đến cổng, đám lưu manh trên đã ập tới. Chẳng nói thêm gì nữa, ông xuất đòn luôn. Như con thiêu thân, lần lượt cả 4 tên đều bị ông hạ đo ván. Sau trận ấy thì ông đã bình yên vô sự. Sau này, gặp lại ông, chúng vẫn rối rít gọi ông là ‘đại ca’, còn cảm ơn ông vì hôm ấy, ông đã nương tay ra đòn chưa hết sức !

Nội công bí kíp của Thăng Long võ đạo bây giờ đã nổi như cồn. Các võ sinh đến theo học ngày một đông. Võ sư Thắng bảo, bây giờ, môn phái ông đã có trên 2000 môn sinh. Bởi là một bác sĩ, nên ông muốn dùng chính nội công lừng danh của môn phái vào việc cứu người. Khí công trị liệu, ấy là sở trường của Thăng Long võ đạo, hiện đang được rất nhiều bệnh nhân ở Hà Nội theo học để tự cứu mình.

Còn nữa

Sưu tầm


Post a Comment

 
Top