Vĩnh Xuân Quyền, còn được gọi là Vịnh Xuân Quyền, là một môn võ thuật có nguồn gốc từ Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam có thể từ đầu thế kỷ 20.
Sơ đồ phả hệ Vĩnh Xuân quyền. Vĩnh Xuân quyền Việt Nam
Khái lược lịch sử
Vĩnh Xuân Quyền vào Việt Nam chủ yếu do công của tôn sư Nguyễn Tế Công - người được đa số các võ sư Vĩnh Xuân hiện nay coi là sư tổ của Vĩnh Xuân Việt Nam. Từ năm 1939đến 1954, Sư tổ chủ yếu dạy ở ngoài Bắc với các học trò (thế hệ thứ hai) sau này được nhiều người biết tên như các cố võ sư Việt Hương, Trần Văn Phùng, Ngô Sỹ Quí, Vũ Bá Quí, Trần Thúc Tiển, Ngô Phượng Tường, Hồ Hải Long v.v.
Sau năm 1954, sư tổ chuyển vào Nam, tiếp tục dạy các học trò như các cố võ sư Nguyễn Bá Khả, Lục Viễn Khai, Đỗ Bá Vinh, Ngô Phượng Tường, Trần Văn Từ, Huỳnh Ngọc Ẩn(đệ tử của Hồ Hải Long) v.v. cho đến khi mất 1959.
Trong thế hệ thứ ba của Vĩnh Xuân Việt Nam cũng đã có nhiều võ sư mở võ đường, được công chúng biết, đặc biệt ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, và ở một số nước khác nhưCanada, Pháp và Ukraina. Ngoài ra, còn nhiều võ sư không mở võ đường chính thức, dù vẫn âm thầm truyền dạy và phát triển các công phu của môn phái.
Ngoài những nhánh chính của tôn sư Nguyễn Tế Công, còn có một số ít chi nhánh khác của Vịnh Xuân vẫn được truyền dạy chủ yếu trong cộng đồng người Hoa ở Q5 (Sài Gòn,Chợ Lớn) và rải rác ở các tỉnh Nam Bộ (Vũng Tàu, Biên Hòa, Lái Thiêu, Cần Thơ...)Những chi nhánh này cũng do những người Hoa di cư truyền dạy (cùng thời và sau tôn sưNguyễn Tế Công), mang tính chất tâm truyền(1-2 người) mục đích bảo tồn tinh hoa nên ít được biết đến.Những chi nhánh này mang nét đặc trưng của Vịnh Xuân truyền thống với 4 bài quyền, 2 bài binh khí.
Phát triển
Hiện nay, môn Vĩnh Xuân Quyền Việt Nam đã phát triển thành nhiều chi nhánh ở khắp các miền đất nước và mở rộng ra cả ngoài Việt Nam. Nhiều võ đường và câu lạc bộ Vĩnh Xuân Quyền đã được thành lập để trao đổi, học tập và phát triển môn phái.
Trước đây, không có cơ sở tin cậy để kết luận về nguồn gốc của tên gọi. Một trong các truyền thuyết nói rằng tổ sư của môn võ này là Ngũ Mai Lão Ni, một đệ tử của võ thuật Thiếu Lâm, trưởng môn phái Bạch Hạc Quyền, đúc kết những kinh nghiệm tập luyện và bổ sung thêm những kỹ thuật độc đáo "lấy nhu chế cương" khi quan sát trận giao đấu giữa Hạc vàXà. Cũng theo truyền thuyết, đệ tử đầu tiên của bà là Nghiêm Vĩnh Xuân, người có công phát triển rộng rãi môn võ. Về sau, tên của bà được lấy làm tên môn phái.
Trong các truyền thuyết khác, tên của Chí Thiện Thiền Sư, Miêu Hiển, Phùng Đạo Đức, Trương Ngũ thường được nhắc đến như những người có các đóng góp cho kỹ thuật của môn phái. Các võ sư ở thế hệ sau như Đại Hoa Diện Cẩm, Lương Nhị Đệ, Hoàng Hoa Bảo trong Hồng Hoa Hội, Lương Tán, Hoắc Bảo Toàn, Phùng Thiếu Thanh,Trần Hoa Thuậnv.v. là những người đã có công truyền bá và hoàn thiện các kỹ thuật Vĩnh Xuân, và được nhắc đến trong hầu hết các phả hệ ở các chi phái. Các bằng chứng về việc Hoắc Bảo Toàn và Phùng Thiều Thanh truyền dạy cho anh em Nguyễn Tế Công và Nguyễn Kỳ Sơn hiện vẫn còn lưu tại Phật Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc.
Môn này đã phát triển ở nhiều nơi trên thế giới, và được biết đến nhiều nhất qua Lý Tiểu Long, người thể hiện công phu Vĩnh Xuân trên màn bạc. Sư phụ ông - Diệp Vấn, được coi là sư tổ của Vĩnh Xuân Hồng Kông - là người có công đào tạo ra một thế hệ học trò đã truyền bá Vĩnh Xuân rộng rãi trên toàn thế giới.
Hiện nay, theo những nghiên cứu về khảo cổ học của Viện Văn hóa và Khảo cổ Trung quốc, Viện Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Phúc kiến, những nghiên cứu về lịch sử, về võ thuật và nghệ thuật kinh kịch Trung quốc cộng với những công trình nghiên cứu của nhiều dòng Vĩnh Xuân khác nhau trên thế giới, trong đó nổi bật nhất là Viện Bảo tàng Vĩnh Xuân (Ving Tsun museum) của dòng Diệp Vấn, chúng ta có thể rút ra các nét chính về lịch sử môn Vĩnh Xuân như sau:
- Vĩnh Xuân là một môn khoa học chiến đấu được các cao tăng Nam Thiếu Lâm và một vài người còn lại của giới tướng lĩnh quân sự nhà Minh nghiên cứu sáng tạo ra tại Vĩnh Xuân đường, thuộc về chùa Nam Thiếu Lâm ở Bồ Điền (Putian), tỉnh Phúc Kiến.Mục đích của việc sáng tạo ra môn Vĩnh Xuân là để tạo ra một phương pháp chiến đấu hữu hiệu hơn võ thuật Thiếu Lâm truyền thống. Đồng thời, vào thời điểm đó, quân đội Minh triều đã tan rã, nên giới tướng lĩnh quân sự Minh triều và giới lãnh tụ khởi nghĩa cần phải có một phương pháp huấn luyện mới thật hiệu quả, nhanh chóng để trong một thời gian ngắn có thể đào tạo ra một lực lượng chiến đấu đủ sức chống lại quân đội Mãn Thanh thiện chiến.
- Khi chùa Nam Thiếu Lâm này bị vua Khang Hy đốt vào cuối thế kỷ 17, các cao thủ Vĩnh Xuân thoát khỏi vụ hỏa thiêu đã đổi tên môn phái thành Vịnh Xuân, rút vào hoạt động bí mật và phổ biến môn phái ra quần chúng dưới tên gọi Vịnh Xuân. Truyền thuyết về Ngũ Mai lão ni và Nghiêm Vịnh Xuân được đặt ra để che giấu nguồn gốc thực của môn phái. Chữ Nghiêm đặt trước tên Vịnh Xuân để nhắc về lời thề giữ bí mật của Vĩnh Xuân đường.
- Khi đổi tên, họ luôn có ý định khi lật đổ nhà Thanh, phục hồi nhà Minh, sẽ dựng lại chùa Nam Thiếu Lâm và đổi tên môn phái trở lại thành Vĩnh Xuân. Dự định này đã không thành sự thật, vì triều đại nhà Minh không bao giờ được khôi phục. Do đó môn phái mang cả hai tên gọi là Vĩnh Xuân và Vịnh Xuân, tùy theo xuất thân và dòng gốc của người thầy phổ biến nó.
- Bên ngoài Hồng Hoa hội, khi Vịnh Xuân được dạy cho quần chúng, các sư phụ không bao giờ dạy toàn bộ hệ thống như là một Khoa học Chiến đấu hoàn chỉnh được tạo ra từ Vĩnh Xuân đường. Chính vì vậy, nhiều dòng Vịnh Xuân khác nhau đã ra đời, và có nhiều cách hiểu và lý giải công pháp Vịnh Xuân khác nhau.
Chú thích thêm:
· Theo như tài liệu của các phái võ Không Thủ Đạo Bạch Hạc (là thủy tổ của các môn Không Thủ Đạo Nhật Bản ngày nay) tại đảo quốc Okinawa thì chùa Nam Thiếu Lâm tại thành phố Phủ Điền mới thật sự là chùa Nam Thiếu Lâm.
· Các Tài liệu của các phái võ miền Nam Trung Hoa như Bạch Mi quyền (Bak Mei kuen, Bai Mei Chuan), Vịnh Xuân quyền (Wing Chun kuen, Yong Chun quan), Hồng Gia quyền (Hung Ga Kuen), Phúc Kiến Vĩnh Xuân Bạch Hạc quyền (Fukien Yong Chun Bai He quan) thì lại cho rằng chùa Nam Thiếu Lâm tại thành phố Toàn Châu chính xác hơn.
· Các nhà khảo cổ học và các học giả Trung Hoa thì khẳng định chùa Nam Thiếu Lâm tại thành phố Phúc Thanh mới chính là chùa Nam Thiếu Lâm thật sự.
· Tuy nhiên, một điều chắc chắn nhất theo dân gian và các tài liệu sử học cho biết thành phố Toàn châu tỉnh Phúc Kiến xưa nay vốn là một trong những trung tâm võ thuật lớn ở Trung Hoa chứ không phải như nhiều tài liệu của một số chi lưu Karate và Vĩnh Xuân quyền cho rằng chùa Nam Thiếu Lâm tại Phủ Điền (Bồ Điền) có Vĩnh Xuân Đường hay Cung Vĩnh Xuân (Evergreen Hall) mới chính là nơi phát tích võ thuật miền Nam Trung Hoa và Vịnh Xuân quyền. (xem Sự liên hệ giữa Thiếu Lâm Quyền và Thái Cực Quyền, Jacques Nguyen Qui phía dưới mục tài liệu tham khảo)
· Dấu vết còn sót lại xa xưa của chùa Nam Thiếu Lâm Toàn Châu là kỹ thuật Kiều thủ trong bài quyền nổi tiếng Công (Cung) Tự Phục Hổ Quyền của Nam Thiếu Lâm màHồng Gia quyền còn lưu giữ và trong bộ quyền phổ Nam Thiếu Lâm Toàn Châu.
Sau này để cho dễ hiểu người Trung Hoa đã gọi các môn võ nằm phía dưới sông Trường Giang (Dương Tử Giang) từ tỉnh Phúc Kiến vùng Mân Nam xuống vùng Giang Tô, Giang Nam, Tứ Xuyên, Quảng Đông và Quảng Tây, Quý Châu, Vân Nam là khu vực mà tính chất vật thể - ý thức hệ gắn liền với tính chất quyền pháp trên địa bàn này là Nam quyền phát âm theo âm Quan Thoại (tiếng Phổ Thông) được Latin hóa là Nản Shàolỉn Chuan (Nam Thiếu Lâm quyền), âm Quảng Đông gọi tắt là Nàam Kuèn (Nam quyền) đều có xuất xứ từ võ công của Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến.
Võ thuật Nam Thiếu Lâm ở tỉnh Phúc Kiến vùng Mân Nam xuất hiện rất sớm vào khoảng thời gian từ gần cuối triều nhà Đường (618–690 sau Công nguyên) và nhà Tống (960–1279) là đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ ngang thời với võ thuật Thiếu Lâm. Võ phái Karate ở đảo quốc Okinawa xuất phát từ Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến giải thích trong chữ Karatethì Kara nghĩa là nhà Đường, te trong tiếng Nhật có nghĩa là Thủ tức là đòn tay không, võ tay không xuất hiện từ thời nhà Đường, do vậy Karate có 2 nghĩa là Đường Thủ Đạo và Không Thủ Đạo. Tại bán đảo Triều Tiên cũng lưu truyền môn võ tay không với cùng tên gọi là Đường Thủ Đạo mà tiếng Triều Tiên phát âm là Tang Su Do.
Lịch sử Thiếu Lâm Quyền Tung Sơn còn cho biết kể từ triều nhà Minh (1368–1644), nhà Thanh (1644–1911) trở đi võ thuật Thiếu Lâm đã vượt sông Trường Giang (Dương Tử Giang) tràn xuống miền Nam Trung Hoa bắt đầu từ tỉnh Phúc Kiến tới Quảng Đông gây ra ngộ nhận nhiều điều giữa võ thuật Thiếu Lâm và Nam Thiếu Lâm.
Kỹ thuật chủ yếu trong Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến và các hệ Nam Quyền (đều xuất phát từ Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến) là kỹ pháp Kiều Thủ 橋 手 - 桥手 (âm Quảng Đông đọc làKìu Sẩu, dịch nghĩa sang tiếng Anh là the Bridge Hand Techniques). Kiều Thủ là đoạn từ cùi chỏ cánh tay đến cổ tay.
Trong Hồng Gia Quyền, Bạch Mi quyền, Vịnh Xuân quyền đều luôn dùng chữ Kiều để chỉ các đòn tay (Thủ pháp) có lẽ do vùng miền Nam Trung Hoa (Phúc Kiến, Quảng Đông) sông ngòi rất nhiều, thậm chí trong các môn phái Karate tại đảo quốc Okinawa xưa kia hay dùng chữ Ryu để chỉ môn phái phân nhánh, chữ Ryu 流 trong tiếng Nhật có nghĩa làLưu (Liu) trong tiếng Hán và dịch nghĩa sang tiếng Việt là Chảy, Lưu đây nghĩa là Chi Lưu (phân nhánh) như tiếng Nhật là Goju Ryu (Cương Nhu Lưu phái) của Chōjun Miyagi 宮城 長順 (25-04-1888 – 08-10-1953) và Gogen Yamaguchi 山口剛玄 (20/10/1909 - 20 /05/1989), Go Ryu (Cương Lưu phái) của Masutatsu Oyama 大山倍達 (27/07/1923 – 26/04/1994), Shotokan Ryu (Tùng Đạo Quán Lưu phái) của giáo sư Gichin Funakoshi 船越 義珍 (10-11-1868 – 26-04-1957).
Karate ở Okinawa và Nhật Bản có nguồn gốc từ Karate Hakutsuru nghĩa là Không Thủ Đạo Bạch Hạc Phái mà thật ra chính là Phúc Kiến Vĩnh Xuân Bạch Hạc quyền truyền bá sang Okinawa vào khoảng thế kỷ 15 -16.
Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến và các hệ Nam Quyền vốn chủ trương Cương nhiều hơn Nhu, ngoại trừ Phúc Kiến Vĩnh Xuân Bạch Hạc quyền, Vịnh Xuân quyền và Nga Mi quyền 峨嵋拳 ở Tứ Xuyên. Trong khi Thiếu Lâm Quyền vốn chủ Cương Nhu phối triển.
· Xem thêm chi tiết tại phần Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến trong bài Kỹ thuật Vịnh Xuân quyền
Tài liệu tham khảo chính về kỹ thuật Kiều thủ Nam Thiếu LâmNam Quyền Toàn Thư – nguyên tác Trung văn Quyền Sư Tiến sĩ Trương Tuấn Mẫn - bản dịch Việt ngữ của dịch giả Thiên Tường, nhà xuất bản Mũi Cà Mau.
· Nam Thiếu Lâm, bản dịch của Hồ Tiến Huân, nhà xuất bản Thể Dục Thể Thao Hà Nội.
· [1] Thuật ngữ Kiều thủ Vịnh Xuân quyền
· [2] Sự liên hệ giữa Thiếu Lâm Quyền và Thái Cực Quyền, Jacques Nguyen Qui
Hệ thống quyền thuật
Khái quát
Hệ thống quyền thuật của Vĩnh Xuân tại các võ đường Việt Nam khác nhau cũng có những sự khác nhau, đôi khi khá lớn.
Ở ngoài Bắc, 8 bài quyền thường được nhắc tới lần lượt gồm Thủ đầu quyền, Khí công quyền, Ngũ hình quyền tổng hợp, Hổ quyền, Báo quyền, Long quyền, Xà quyền, Hạc quyền. Ngoài ra là bài 108 (còn gọi là "Nhất linh bát thức", "Thung quyền") đánh đơn, niêm, ly và đánh trên mộc nhân thung. Các bài binh khí như song đao (còn được gọi là dao quai), tề mi côn, liễu diệp kiếm.
Ở trong Nam còn có các bài như Hạc hình thủ bộ, Tiểu mai hoa, Đại mai hoa, Bát thủ pháp, Bát cước pháp, v.v. Các tên gọi cũng có đôi chút khác biệt như: Tiểu luyện đầu, Tiểu niệm đầu, Thái âm khí công, Mộc nhân thủ đối luyện, v.v.
Hiện tại, các võ sư Vĩnh Xuân chưa thống nhất về hệ thống quyền thuật đặc trưng. Tuy nhiên có thể khái quát về một số kỹ thuật tập luyện khá đặc sắc của Vĩnh Xuân Quyền làniêm thủ, đoản kiều phát lực, mộc nhân pháp, xước mã (đạp bộ), tấn... Các yếu quyết luyện tập thường được nhắc tới là Tam tinh, Thất đáo, Lục hợp, Bát môn v.v. Ngoài ra, có thể thấy những sự khác biệt này còn do các võ sư tự nghiên cứu, phát triển và bổ sung.
Có thể khái quát hệ thống quyền thuật theo nhiều cách, đối với người học, có thể thấy có 5 phần như sau:
Các bài luyện thân pháp, thủ pháp, cước pháp, bộ pháp
Đây là phần cơ bản về quyền thuật. Các bài thường được nhắc nhiều nhất là Thủ Đầu Quyền (còn có tên là Tiểu Niệm Đầu, Tiểu Luyện Đầu, Tam Bái Phật, Tiểu Hình Ý); Ngũ Hình Quyền (Xà, Long, Hổ, Báo, Hạc Quyền); Bài 108 (Còn gọi là Nhất Linh Bát, Mộc Nhân Đối Luyện hay Mộc Nhân Thủ Luyện). Các bài Tầm Kiều, Tiêu Chỉ hiện nay cũng được truyền dạy đáp ứng nhu cầu về thực chiến của võ thuật hiện đại.
Về căn bản, các biến thể của một bài có thể coi là không khác nhau nhiều, và cũng không khác nhiều với các bài tương tự của các chi nhánh Vĩnh Xuân trên thế giới khác, nên có thể coi là "đại đồng tiểu dị" vì cùng tuân thủ các nguyên tắc chung của môn phái Vĩnh Xuân.
Một điều khá nổi bật là Vĩnh Xuân không chú trọng luyện riêng từng yếu tố mà cố gắng kết hợp luyện cùng lúc một số yếu tố trong cùng một bài, do vậy số lượng các bài quyền không nhiều, nhưng thời gian tập từng bài quyền rất dài.
Tuy nhiên, các nhánh sau này đều có thêm các bài bổ trợ riêng để luyện các yếu tố tách biệt như di chuyển, thả lỏng các khớp, luyện gân cơ, luyện khuôn tay, khuôn chân như Bát Thủ Pháp, Bát Cước Pháp, Lôi Oanh Chưởng, Thập Tam Điểm, Xước Mã v.v.
Các bài binh khí
Các bài binh khí không còn quan trọng như thời xưa, tuy vậy vẫn được lưu giữ và truyền dạy. Các bài được nhắc nhiều là Lục Điểm Bán Côn, Song Đao (còn được gọi là Bát Trảm Đao, Hồ Điệp Đao), Liễu Diệp Kiếm. Ngoài ra còn một số bài binh khí khác cũng được coi là các bài của Vĩnh Xuân như Đại đao, Trường Côn, Tề Mi Côn, Phi Tiêu v.v. Do vũ khí được coi là tay nối dài, đao, côn, kiếm của Vĩnh Xuân cũng có những điểm đặc biệt phù hợp với hệ thống quyền thuật của Vĩnh Xuân, đặc biệt trong việc tận dụng sự linh hoạt của cổ tay và cách phát sức trong khoảng cách ngắn.
Các bài luyện khí, phát kình
Các bài khí công: Nói chung được gọi là các bài luyện thở. Ngũ Hình Khí Công và Thái Âm Khí Công là hai bài được nhắc đến ở nhiều nhánh. Các bài này đều giúp luyện khí lực và không khác nhau nhiều ở các nhánh. Các nhánh còn nhắc đến Khí Công, Nội Công, hay Dịch Cân Kinh... Công phu điểm huyệt cũng được truyền dạy ở một số nhánh.
Các bài luyện phát lực: Vĩnh Xuân thuộc nhu quyền, đặc trưng bởi nguyên tắc phát lực lỏng, ngay trong khoảng cách ngắn. Với người chưa tập đây là điều không thể làm được vì khi thả lỏng lại không có lực đáng kể. Mỗi nhánh đều có cách thức riêng trong việc kết hợp với thả lỏng, luyện khí, phát kình... để đạt được cả tốc độ, sự chính xác và sức thấu của đòn đánh.Song luyện giữa hai môn sinh là phương pháp tập hiệu quả nhất ở hầu hết các nhánh.Hai người sử dụng kình pháp đối nhau sẽ đem lại hiệu quả cho cả hai và đem lại cảm giác như đang thực chiến. Tập với thầy, với mộc nhân, bao cát v.v. là một số các phương pháp khác
Các bài luyện phản xạ thực chiến
Niêm thủ, tay dính, linh giác, v.v. là các tên gọi khác nhau của phương pháp tập luyện này. Mục đích chủ yếu là luyện tập cho các môn sinh khả năng cảm nhận được ý đồ tấn công của đối phương và có các phản xạ hợp lý, kịp thời trong giao đấu, đạt được mục đích tối hậu là "tâm ứng thủ" - tức phản xạ tức thời trong thực chiến.
Một số các nguyên tắc quyền thuật
Các nguyên tắc được các nhánh nhắc đến phổ biến là: lỏng mềm, giữ trung lộ, công thủ đồng thời, đơn giản, kết hợp được sức từ tòan bộ cơ thể.Điều quan trọng nhất của Vịnh Xuân hiện đại là lấy tốc độ đánh lại sức mạnh,lấy linh hoạt làm trọng.Các đòn gân cứng và các đòn mềm phải kết hợp với nhau luân phiên.Các nhánh khác nhau đúc kết các nguyên tắc này dưới các từ ngữ như: Tam Tinh, Tam Tĩnh, Nội ngoại Tam Hợp, Lục Hợp, Bát Môn, Lai Lưu Khứ Tống, Liên Tiêu Đai Đả, v.v. Tuy nhiên, một số yếu quyết này đôi khi cũng được hiểu khác nhau và áp dụng khác nhau ở các nhánh.
Vĩnh Xuân Quyền và Dưỡng sinh
Từ tính chất của hệ thống luyện tập nhấn mạnh vào việc khôi phục các vận động tự nhiên thông qua các bài tập thở và lỏng mềm, Vĩnh Xuân không đòi hỏi người tập ngay từ đầu phải có sức khỏe tốt, thậm chí có thể đang ở trong giai đoạn bệnh tật vẫn có thể tập được. Do đó, Vĩnh Xuân có tác dụng dưỡng sinh rất cao và đã thể hiện qua nhiều trường hợp như của cố võ sư Trần Thúc Tiển, BS Nguyễn Khắc Viện, võ sư Nguyễn Thị Bích Vân, võ sư Đỗ Tuấn... đều là những người đã nhờ tập luyên môn Vĩnh Xuân để vượt qua các bệnh hiểm nghèo, khôi phục được sức khỏe đồng thời trở thành các võ sư có tên tuổi được nhiều người biết tới.
Trong đời sống hiện đại, các tác dụng về mặt dưỡng sinh của Vĩnh Xuân Quyền ngày càng trở nên quan trọng hơn so với khía cạnh võ thuật. Một số chi nhánh Vĩnh Xuân đã đặt mục tiêu dưỡng sinh quan trọng ngang hoặc thậm chí hơn so với việc luyện quyền cho mục đích tự bảo vệ hay giao đấu.
Lưu ý
Nhìn chung, do các bài viết, sách về Vĩnh Xuân Việt Nam rất ít, cũng như do đặc điểm của Vĩnh Xuân Việt Nam, việc khái quát hệ thống quyền thuật Vĩnh Xuân Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, và vẫn chưa đạt sự nhất trí cao giữa các chi phái cả về lịch sử, tên gọi cũng như nội dung hệ thống quyền thuật. Ngoài ra, còn có thể có các lý do về môn qui cũng như quan niệm riêng của các võ sư về dạy võ, nên các bài quyền, các yếu quyết v.v. rất ít khi được công bố, hay công nhận rộng rãi. Thậm chí, sự khác biệt giữa các võ sư cùng một chi phái cũng là điều phổ biến.
Tham khảo
· Diễn đàn thảo luận Vĩnh Xuân
· Cách hiểu Phù hiệu Vĩnh Xuân Quyền (Việt Nam) do Việt Hà chấp bút và đưa lên lần đầu tiên
Nguồn: Wikipedia
Post a Comment