Cước pháp của võ đường Thiếu Lâm Nam Phái KungFu được ví như quân Pháo trên bàn cờ tướng. Để tìm hiểu lý giải về “Bát cước trận” ở dạng “khai môn”, đầu tiên phải tìm hiểu về “văn hoá cờ tướng”. Có thể nhiều người cho là thừa, là dài dòng văn tự,... nhưng hiểu thấu đáo vấn đề cổ học tưởng như cũ kỹ này, để ứng dụng trong lý luận về cước pháp, tưởng như cũng là việc nên làm.

Thế trận của Pháo, cũng là thế trận của cước pháp.
Trong 7 quân cờ thì, quân tướng là đầu, quân sĩ là vai, quân tượng là chỏ, quân xe là bàn tay, quân Pháo là bàn chân, quân mã là gối, quân tốt là eo – hông.

Pháo

Quân Pháo đi giống quân Xe, theo chiều thẳng đứng hoặc ngang, nhưng ăn quân bằng cách nhảy qua 1 quân cờ khác. Hãy tưởng tượng Cửu cung với thành cao hào sâu, có lực lượng bảo vệ canh gác ngày đêm, Tướng thì chẳng bao giờ ra khỏi cung, lấy cách gì mà đột phá vào đây. Xe tuy thông suốt như thế nhưng nếu có quân đứng chặn đường thì cũng phải dừng lại.


Nhưng với Pháo thì bất chấp tất cả. Pháo có thể kéo tới tận góc mà nã đạn cầu vồng vào trong cấm cung tiêu diệt Tướng. Pháo có thể kéo hẳn về cung mình dùng chính Sỹ cuả mình làm ngòi để chiếu hết tướng đối phương. Quân Pháo có quyền lực mạnh ở lúc bắt đầu, lúc bàn cờ còn nhiều quân, nhưng quyền lực đó giảm dần về sau. Trên thực tế thì có tới 70% khai cuộc là dùng Pháo.


Đơn giản và thô lỗ nhất là nã ngay Pháo tiêu diệt Mã đối phương (người chơi như thế gọi là hiếu sát). Còn thông thường là hai bên cùng kéo pháo vào lộ giữa, gọi là “đương đầu Pháo”. Kéo Pháo cùng bên gọi là trận “Thuận Pháo”, kéo Pháo vào ngược bên nhau gọi là trận “Nghịch Pháo” (hay Liệt Pháo).


Cờ tướng cổ đại không có quân Pháo. Các nhà nghiên cứu đều nhất trí là quân Pháo được bổ sung từ thời nhà Đường. Đây là quân cờ ra đời muộn nhất trên bàn cờ tướng vì tới thời đó, pháo được sử dụng trong chiến tranh với hình thức là một loại máy dùng để bắn những viên đá to. Bấy giờ, từ Pháo trong chữ Hán được viết với bộ "thạch", nghĩa là đá. Cho đến đời nhà Tống, khi loại pháo mới mang thuốc nổ được phát minh thì quân Pháo đã được viết lại với bộ "hỏa".

“Bát cước trận” ở trình độ khai môn, môn sinh sẽ thực hành 8 cước theo trận pháp đưa “Pháo qua Hà”. 

Trong các môn võ thuộc Nam Quyền, sở trường là tấn công và phòng ngự ở chân phía trước. Chân sau làm trụ, tấn vững như bàn thạch, chờ thời cơ ra đòn quyết định. Giống như trong môn Quyền Anh hiện đại, tay phía trước sở trường là : thăm dò, ngăn chặn, lấy điểm, dò đường. Tay sau chờ thời cơ, hỗ trợ tay trước tấn công, phòng ngự cho tuyến sau, ra đòn dứt điểm khi thời cơ tới.

Trong Nam Quyền, loại tấn để dễ dàng điều động cước pháp chân trước, chính là “Điếu Mã” (còn gọi là Chảo Mã). Điếu Mã tấn, về cơ bản dồn gần như toàn bộ sức nặng về chân sau, chân trước nơi lỏng, hư hư thực thực, chờ thời.

Điếu Mã là bộ tấn linh hoạt nhất của Nam Thiếu Lâm, với trong lượng dồn hẳn về chân sau, chân trước khá thoải mái trong tấn công cũng như phòng thủ. Chân sau cong, tạo ra cánh cung có sức bật tốt, thân người trầm xuống. Chân trước cũng cong, bàn chân đặt nhẹ lên mặt đất, đầu gối cũng phải cong, “có ý” hơi gập nhẹ vào trong để bảo vệ hạ bộ.

Tư thế với tấn Điếu Mã, chân trước rất thoải mái, linh hoạt, có thể tạo được 1 cuộc tấn công thần tốc bằng chân trước, nhưng cũng rất thoải mái trong ngăn chặn và phòng thủ phần hạ âm của cơ thể. Cột xương sống phải thẳng, người ngay ngắn, không vặn vẹo. Mới đầu thì đứng tấn cao cho dễ di chuyển, sau quen rồi thì hạ thấp xuống, dùng sức bật của chân trong di chuyển, tạo ra sự vững chắc khi bị va chạm.

Do tấn “Điếu Mã” trọng lượng dồn nén lên chân sau, nên phần đùi chân sau bị cong và nén lại như lò xo – như cánh cung trương lên, nên sức bật - khả năng chịu tải - khả năng chịu va chạm sẽ rất lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho chân trước dễ bề tung hoành hoạt động.

Thế tấn khác cũng thuận lợi không kém cho cước pháp chân trước là “Độc Lập Mã” (còn gọi là “Gà vàng đứng 1 chân”, hay “Kê bộ”). Với thế tấn này, chân trước đã đưa cao hẳn lên để phòng thủ. Chân phòng thủ phần “Hạ” của cơ thể, tay phòng thủ phần “Thượng”, cơ thể chia làm 2 phần đều nhau. Chân sau như bệ phóng, như lò xo, như tâm của vòng tròn, toàn thân bao quát được mọi phía. Thế tấn này cũng dễ tạo ra những bất ngờ cho đối thủ, dễ xoay chuyển tình thế trong cả công lẫn thủ.

Các thế tấn khác như :
- “Đinh Mã” (còn gọi là tấn “Cũng tiễn”, hay tấn chữ “Đinh”) không phù hợp cho việc điều động chân trước.
- “Tứ Bình Mã”, để luyện tập thì tạo lực và thế cân bằng rất tốt, nhưng trong cận chiến ít khi phù hợp, do hở hạ bộ.
- “Quải Mã” (còn gọi là Tấn Kỳ Lân), “Tẩu Mã”, phù hợp trong di chuyển và tránh né nhiều hơn, ít khi là lựa chọn.
- “Quỵ Mã” và “Níu Mã”, do tấn quá thấp cần phải huy động sức bật của đôi chân rất lớn, nếu môn sinh không phải là người có sức bật tốt, hay thận âm tốt thì khó dùng cước hơn.
- “Bát tự Mã”, giống như “Nhị Tự Kiềm Dương Tấn” của Vĩnh Xuân Quyền, cũng không phải là sự lựa chọn.

Do đặc điểm cước pháp chân trước thường là ngắn, uy lực tạo ra sẽ không lớn được như chân sau, nên cần phải luyện bộ cước cho thật tinh dẻo, lấy khéo bù sức mạnh, lấy linh hoạt bù sự khù khờ, dùng chân cản phá là chính rồi tấn công khi có thời cơ.

Khi dùng chân nhất thiết phải đi liền với tay để hỗ trợ, chân ra - tay chặn, chân về - tay ra, chân tay liền liền, không dùng đơn độc dễ bị bắt bài.

Chính vì uy lực tạo ra cho cước pháp chân trước không mạnh mẽ bằng chân sau, nên môn sinh cần luyện lực cho chân, luyện đá bao cát nhiều để có sự mạnh dạn trong dùng cước. Chân khéo mà thiếu lực, thì không có tính sát thương cao, đánh vào đối thủ cho dù trúng cũng chẳng khác gì gãi ngứa. Xương cốt ống đồng cần phải được tôi luyện mỗi ngày, đây là phần dễ bị chấn thương nhất khi dùng chân cản phá hay tấn công. (Xem phần luyện cốt)

Bát cước, thất yếu:
Trong phần sơ khởi của “Bát cước” môn sinh sẽ dần làm quen với việc sử dụng bàn chân trong tấn công, cũng như phòng thủ.

Ở nhiều môn, nhiều dòng phái, các môn sinh sẽ phải làm quen với nhiều lối đá cầu kỳ, đa dạng. Nhưng với Thiếu Lâm Nam Phái KungFu, thì không chú trọng lắm về điều này. Mục tiêu đối thủ phía trước luôn quan trọng hơn kiểu cách thực hiện. Tức là lấy đối thủ làm trọng tâm trong vận động, ta vào đòn hợp lý, đúng thời điểm, đạt hiệu quả trong tấn công – phòng thủ, ấy là đạt.

7 điểm cần chú trọng trong công, cũng như thủ là (có hình vẽ kèm theo) :
- Gót chân,
- Mũi (ức) bàn chân,
- Cạnh ngoài bàn chân,
- Má trong bàn chân,
- Lòng bàn chân
- Mu bàn chân
- Ống đồng

Tấn công chỗ nào :

Địa điểm tấn công phải “chọn chỗ yếu, tránh chỗ mạnh” của địch thủ. Chỗ yếu như : các khớp chỗ nối của quan tiết cơ thể (cổ chân, cổ tay, khớp gối, háng - hạ bộ, eo - sườn, ức - mỏ ác, cổ - gáy - mặt,...). Chỗ mạnh như : đầu gối, cùi chỏ, nắm đấm. Ngoài ra cũng phải để ý tâm sinh lý của đối thủ trước khi vào trận đấu, ví như biết chỗ bị thương nặng của đối thủ thì nên nhằm vào đấy mà tấn công liên tiếp. Mục tiêu của cận chiến Nam Thiếu Lâm, là hạ gục đối thủ, chứ không phải đánh cho vui hay múa cho thật đẹp, đánh xong để còn chốn thoát, đánh xong còn để chạy.

Thông thường nhiều người luyện cước có su hướng đá cao, đá đẹp, đá tận mặt đối thủ, đá vòng cung lớn lên cao,... Nhưng theo những quan điểm về cước của Nam Quyền, thì vị trí từ bụng đối thủ trở xuống sẽ là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Lý do thì phía dưới thấp dễ đá, khó đỡ, quãng đường đi ngắn hơn, thời gian đến mục tiêu nhanh hơn, dễ trụ vững hơn khi chẳng may bị chặn bắt chân.

Do những đặc điểm sinh lý học của cơ thể người, nên chỗ để tấn công lựa chọn số 1 là hạ bộ, sau đó mới tới kheo chân, đùi non, bắp vế, xương ống đồng phía trong, cổ chân, rồi cuối cùng là mu và lòng bàn chân.
Các điểm cao hơn như : eo cũng được lựa chọn, mạn sườn 2 bên, mỏ ác, cổ, đầu - mặt – gáy ... cũng được tính tới nhưng ít lựa chọn hơn.

Cước pháp tấn công được ví như bộ “Hoả” trong Ngũ hành.

Cũng do cước pháp là phần tuy khó dùng, nhưng lực mạnh hơn tay, hiệu quả mang lại thường lớn,... nên cần phải tạo cho cước pháp một uy lực lớn, như quân Pháo viết theo bộ “Hoả” đã được nêu ở trên.

Tương tự đá trúng đối thủ, mà đối thủ vẫn không hề hấn gì, thì uy lực của cước coi như không có, điểm đá chưa đúng điểm yếu của đối thủ.

Trong đấu pháp bình thường thì thuận theo tự nhiên xa đá, gần đấm, áp sát có gối chỏ, dính chặt thì có ôm vật. Sử dụng trong công phòng, cần kết hợp với “Quan bế môn - đại khai môn” sẽ tạo được những kết quả khả quan và an toàn hơn. Đây là tập hợp những cách phòng thủ, be đòn, canh đòn trong giao đấu võ thuật như thường thấy. Luyện võ đối kháng không có lý thuyết suông, mà cần phải có thực hành - đối luyện 2 người thật thực tế, và lâu dài mới đạt.

Phương thức luyện tập cước pháp :
- Luyện hình cước
- Luyện đối cước
- Luyện Ma cước
- Luyện đá bao đất, bao cát, mộc thung, ỷ tử,....

Trong Nam Quyền có câu “Tay sao thì chân vậy”. Để người luyện tập dễ hình dung hơn, thì các bài tập của chân cũng như các bài tập của tay. Có khác, là vị trí của tay thì ở trên cao, còn vị trí của chân là ở dưới thấp mà thôi.
Hình tay – Hình chân.
Đối tay - Đối chân
Ma kiều – Ma cước
Đánh bao cát, mộc thung bằng tay – đá bao đất, bao cát, mộc thung, ỷ tử.
................ 




VÕ ĐƯỜNG
Thiếu Lâm Nam Phái KungFu
VS. Hoàng Cao Phương

Post a Comment

 
Top