Quyền thuật của Trung Quốc có nhiều môn phái khác nhau, chúng đều có triết lý cùng kỹ thuật. Thời xưa, cổ nhân dùng tinh lực cả đời nghiên cứu mà không hết được chỗ ảo diệu của Thái Cực Quyền. Người học bỏ một ngày công thì sẽ thu được một ngày công hiệu, ngày tháng tích lũy, công đáo tự nhiên thành.

Thái Cực Quyền là nghệ thuật nhu trung ngụ cương, miên lý tàng kim. Về các mặt kỹ thuật, sinh lý, lực học đều có triết lý tương ứng. Nghiên cứu loại Đạo này phải có trình tự nhất định cùng với thời gian. Có thầy giỏi dạy, bạn tốt giúp đỡ có vai trò không nhỏ, nhưng quan trọng nhất là tự mình dốc tâm luyện tập. Nếu chỉ bàn bạc suốt ngày, quanh năm suy nghĩ thì khi giao thủ sẽ không có tác dụng gì. Cổ nhân nói: ‘nghĩ vô ích, không bằng học’. Nếu có thể sớm tối luyện tập không gián đoạn, nóng lạnh không thay đổi, toàn tâm toàn ý, làm được như vậy thì bất luận già trẻ, nam nữ đều có thể thành công.

Gần đây, số người nghiên cứu Thái Cực Quyền ngày càng đông, đó là điều mừng cho tiền đồ võ thuật. Trong số đó có rất nhiều người chuyên tâm khổ luyện, thành tâm học hỏi. Nhưng cũng có nhiều người cậy tài, cậy sức, thông minh hơn người, tiếc rằng khi có chút thành tựu thì vừa đã thỏa mãn nên không đạt được đại sự; một số khác là cấp lĩnh tốc thành, lược bớt mà thành, chưa qua một năm mà đã học hết quyền, kiếm, đao, côn. Tuy có vẻ đầy đủ, nhưng thực tế chưa đạt tới ‘tam muội’. Nếu kiểm tra động tác thì thượng hạ nội ngoại đều không hợp độ. Muốn sửa chữa thì các thế đều cần sửa. Cổ nhân thường nói: ‘ Luyện quyền dễ, sửa quyền khó’. Đó là do vội vàng vậy. Những người như vậy thì ngộ (ngộ nhận) truyền ngộ, đem cái tự ngộ để ngộ người, điều này rất đáng lo cho tiền đồ Thái Cực Quyền.

Khi bắt đầu học Thái Cực Quyền, đầu tiên luyện quyền giá. Quyền giá là tên các thức trong quyền phổ. Từng thức do thầy chỉ dạy. Người học cần toàn tâm tĩnh khí, ghi nhớ nghiên cứu, theo đó mà luyện. Đó là luyện giá tử. Lúc này người học cần chú ý những yêu cầu nội, ngoại, thượng, hạ. Nội: dụng ý bất dụng lực; Hạ: khí trầm đan điền; Thượng: hư linh đỉnh kình; Ngoại: châu thân khinh linh, tiết tiết quán xuyến, từ chân đến đùi, lên eo, trầm vai,chỏ… Khi mới học, trước tiên cần sớm tối nghiên cứu mà thể hội những câu đó. Tóm lại, mỗi tư thế, động tác đều phải cần mẫn, tỉ mỉ lĩnh hội, luyện tập chính xác. Luyện thuần thục thì tập thế tiếp theo, cứ như vậy học hết giá tử.

Khi luyện, toàn thân các khớp cần tùng khai (lỏng mở) tự nhiên. Thứ nhất: miệng và bụng không được bế khí. Thứ 2: tứ chi, eo đùi không được dùng cương kình. Hai câu này người luyện Nội gia quyền phải biết. Khi cử động, chuyển thân, đá chân, xoay eo mà thở gấp là do bệnh bế khí hoặc dụng cương kình.

1- Khi luyện, đầu không được nghiêng, ngửa. Đó gọi là ‘đỉnh đầu huyền’ - đỉnh đầu treo. Như có ý đang đội một vật trên đỉnh đầu; cần tránh cứng thẳng, đó là ý của ‘đỉnh đầu huyền’. Mắt tuy nhìn ngang về phía trước, nhưng cũng tùy theo thân pháp mà chuyển dịch. Tia nhìn tuy hàm chứa không hư mà biến hóa, gắn bó chặt chẽ với động tác, bổ khuyết cho thân pháp, thủ pháp. Miệng như mở như không mở, như đóng như không đóng. Miệng thở ra, mũi hít vào, thuận với tự nhiên. Nếu nước bọt tiết ra thì nuốt xuống, không nhổ đi.

2- Thân thể cần trung chính, không nghiêng ngả. Sống lưng và xương cùng cần trầm thẳng mà không lệch. Trong khai hợp biến hóa có hoạt động của hàm hung bạt bối, trầm kiên, chuyển eo, người mớI học cần chú ý, nếu không lâu dài sẽ khó sửa, sẽ bị cứng nhắc, kungfu tuy cao mà khó dùng.

3- Khớp xương của 2 tay cần tùng khai, vai cần trụy (chìm) xuống, khuỷu cần chúc xuống, chưởng cần hơi duỗi, mũi tay hơi cong. Dùng ý để vận động 2 cánh tay. Dùng khí để quán chỉ (ngón tay). Ngày tháng trôi qua, nội kình thông linh, huyền diệu tự sinh.

4- Hai đùi cần phân hư thực, bước đi như mèo bước. Trọng lượng ở bên trái thì bên trái là thực, mà đùi phải là hư; ở bên phải thì bên phảI là thực mà đùi trái là hư. Tuy gọi là hư nhưng không phải là trống rỗng, thế không được đứt, mà cần có ý co duỗi biến hóa. Gọi là thực, xác thực mà thôi, không dùng kình quá mức, dụng lực quá mạnh. Đùi gập để cẳng chân thẳng đứng là chuẩn. Quá mức thì bị quá kình, thân bị nghiêng về phía trước, mất đi tư thế trung chính.

5- Bàn chân khi đá được phân thành 2 kiểu: Thích thối (Tả hữu phân cước hoặc Tả hữu khởi cước) và Đăng cước. Thích thối thì chú ý mũi chân, Đăng cước chú ý cả bàn chân. Ý đến thì khí đến, khí đến kình tự đến. Các khớp chân đều phải tùng khai, bình vững mà xuất. Lúc này rất dễ dụng cương kình, thân thể nghiêng ngả không vững, phát cước vô lực.

Trình tự luyện tập Thái Cực Quyền: đầu tiên luyện quyền giá (tay không). Như Thái Cực Quyền, Thái Cực trường quyền. Tiếp đến luyện Đơn thủ thôi hoán, Nguyên địa thôi thủ, Hoạt bộ thôi thủ, Đại lý, Tam thủ. Sau đó là luyện khí giới, như Thái cực kiếm, Thái cực đao, Thái cực côn (thập tam côn)…
Thời gian luyện tập, sáng dậy tập 2 lượt, nếu sớm dậy nhàn rỗI thì trước khi đi ngủ 2 lượt, mỗi ngày tập 7,8 lần, chiều 1 lượt. Sau khi uống rượu, ăn no không tập.

Địa điểm luyện tập, nếu sân nhà hay trong phòng, cần thông không khí tốt, nhiều ánh sáng. Tránh tập luyện ở chỗ gió mạnh, hay ẩm thấp. Vì khi vận động, cơ thể sẽ hô hấp sâu, gió mạnh và khí ẩm nếu nhập vào cơ thể sẽ có hại cho tạng phủ, dễ gây bệnh. Trang phục luyện tập cần rộng rãi... giầy vải. Luyện tập xong nếu ra mồ hôi thì không được bỏ y phục cởi trần, tắm nước lạnh, dễ bị bệnh.




 
Top