Có hai khuynh hướng khác nhau trong những người luyện võ, loại thứ nhất tập với mục đích để đánh nhau với người khác, và thứ hai là những người tập để rèn luyện bản thân. Rất nhiều người chỉ muốn thành người giỏi nhất, ở vị trí cao nhất, hay có nhiều đệ tử nhất hoặc giả kiếm được nhiều lợi nhuận nhất. Nhiều người cho rằng dòng võ của mình là hay nhất, bí mật nhất, nguyên gốc hay chân truyền nhất, nhưng điều đó chỉ dẫn đến tranh cãi mà thôi.

Trong môn Vĩnh Xuân nói riêng, nhiều người tuyên bố họ mới là chân truyền, chính tông. Một số nói Diệp Vấn đã truyền lại cho những bản quyền phổ quan trọng nhất, hay đã ghi lại được nguyên bản các bài quyền, côn, mộc nhân thung, song đao. Một số khác thì chỉ trích rằng võ sư này nọ đã canh cải hay tự chế ra các bài quyền của họ thay vì bám chặt vào các nguyên mẫu cổ truyền. Tôi phải nói là hãy luôn nhìn vào tính hiệu quả của kỹ thuật, “hãy coi cho tính năng của đòn thế là thầy của bạn, và ứng dụng thì luôn quan trọng hơn bài quyền”. Nếu bạn cho rằng quyền cước của mình rất mạnh, hãy thử với bao cát, nếu tinh thông đao pháp – hãy thử chặt vài cành cây. Nếu gỏi về côn pháp, thử đập một vài hạt óc chó. Nếu cho rằng tấn rất vũng, hãy để cho người khác đẩy thử bạn... Ngay cả khi đây là các bài trắc nghiệm có giá trị, thì sử dụng được các kĩ năng này trong thực chiến cũng không phải là chuyện đơn giản. Xét cho cùng, đây không phải chuyện để nói xuông, hay chuyện dòng phái, bí truyền, lý thuyết hay kỹ thuật này nọ. Tất cả phụ thuộc vào sự rèn tập của chính bạn.

Dòng phái hay môn phái chỉ có thể cho thấy nguồn gốc kiến thức cơ bản của bạn, nhưng không hẳn đã nói lên cái bạn rèn luyện ngày hôm nay. Theo tôi có quá nhiều người chú trọng đến điều này, công phu thật sự của bạn không hẳn phụ thuộc vào việc bạn tập môn gì, mà là cách bạn rèn luyện cho đến hôm nay. Trau dồi và rèn luyện bản thân là tất cả. Không có một khuôn mẫu duy nhất nào ở đây cả. Bạn đã thu thập được những gì, có bao nhiêu điều canh tân từ đó ? Các kiến thức sao chép chỉ phản ánh lại thời điểm nó được sao chép mà thôi, phụ thuộc vào kiến thức và sự hiểu biết của người học tại thời điểm đó. Vì chúng ta luôn thay đổi và trưởng thành, chúng ta luôn có thể rèn luyện và phát triển hơn nữa.

Tôi không phải là một bậc thày hay một ai đó có vị thế quan trọng, và cũng không có câu trả lời cho tất cả mọi câu hỏi, tôi chỉ là một người đồng hành trên con đường rèn luyện bản thân mà thôi. Mọi hệ thống, môn phái đều tốt cả, nhưng nó phụ thuộc vào mục đích và phương thức ứng dụng của bạn. Điều đó giải thích tại sao đối với tôi, ứng dụng quan trọng hơn khuôn mẫu. Các dòng phái đều đúng, đều chứa đựng một phần của chân lý, điều quan trọng ở đây là việc bạn rèn luyện như thế nào. Những điều tôi viết ở đây đều xuất phát từ Phật học, có thể Phật tính trong bạn sẽ lĩnh hội được chân lý qua những dòng này chăng. Nếu điều đó hữu ích cho bạn thì tôi rất hân hạnh được chia sẻ với bạn, còn không thì cũng chẳng sao cả, vì bạn có niềm tin riêng của mình.

Khi người ta có một cái tôi quá lớn thì rất dễ bị phật ý. Tôi cho rằng đôi khi có một số người luyện võ vị kỉ và chẳng chịu nhún nhường để lắng nghe người khác. Họ bị sa lầy với cái tôi. Sự tham lam, giận dữ, ngu xuẩn, tự cao, ảo tưởng – tất cả đều là vật cản trên con đường tu luyện. Để rèn luyện bản thân lên một mức cao hơn, bạn phải tự mình thoát khỏi các mối ưu phiền đó. Võ thuật là một phương tiện đưa ta đến việc hiểu rõ bản ngã của chính mình, đi từ sự ngu muội đến với kiến thức. Đó không nhằm vào cái tôi hay khống chế người khác – mà là sự tự hoàn thiện của mỗi cá nhân.

Trong Phật học có câu “khi bạn còn mê muội, bạn phải dựa vào sư phụ, khi bạn đã sáng tỏ, bạn cần dựa vào chính đạo”. Chúng ta nên phấn đấu để đi theo chính đạo chứ không dựa dẫm vào ai cả. Thầy là người giúp ta qua sông. Khi ta đã trưởng thành và lĩnh hội được kiến thức, chúng ta tôn trọng và ghi nhớ trong tâm khảm thầy người đã giúp ta qua sông. Tuy nhiên một người thầy thật sự không bao giờ muốn trò ỷ mãi vào mình vì điều đó sẽ dẫn đến sự lệ thuộc cá nhân mà thôi, người sư phụ đích thực mong muốn học trò vượt qua cả chính ông. Nếu một người học trò ỷ lại mãi vào sư phụ và coi ông là thánh, người đó sẽ không đi xa hơn con đường mà người thầy đã đi. Vì vậy người tập Vĩnh Xuân cần có một thái độ sáng tạo và tích cực trong luyện tập.

Võ thuật là phương tiện đưa đến sụ giác ngộ, đó không phải việc để kiếm cho nhiều tiền, để có được nhiều môn sinh, không phải để thỏa mãn cái tôi. Nhưng với võ thuật bạn có thể giúp người khác trưởng thành, rèn luyện tính tự tin, nhân cách và trở thành những nhân tố tích cực cho xã hội. Sự lựa chọn là của chính bạn.

Robert Chu Sau-Lei

 
Top